Liệu có thể phòng ngừa biến chứng tim mạch ở người bệnh đái tháo đường ?

Bệnh đái tháo đường với biểu hiện đặc trưng là lượng đường trong máu tăng mạn tính. Hiện tượng này kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của các cơ quan trong cơ thể, để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là ở tim mạch.

Vì sao bệnh đái tháo đường lại hay gây các biến chứng tim mạch?

Do bệnh  làm cho tiến trình xơ vữa mạch mạch máu xảy ra sớm và nặng hơn

Các biến chứng tim mạch thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường ?

 1. Biến chứng mạch vành

Hiện tượng xơ vữa xảy ra trên các động mạch cấp máu cho tim sẽ dẫn đến: cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, … Tuy nhiên, biểu hiện lâm sàng của các bệnh này trên bệnh nhân đái tháo đường thường không rõ ràng, khó nhận biết. Đôi khi chỉ phát hiện nhờ tình cờ đi khám bệnh.

  1. Biến chứng mạch máu não

Tình trạng xơ vữa xảy ra ở mạch máu não sẽ gây ra tai biến mạch máu não, biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não… Biểu hiện lâm sàng đột ngột bằng liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau.

  1. Biến chứng mạch máu chi dưới

Khi tình trạng xơ vữa xảy ra ở động mạch chi dưới, bệnh nhân sẽ thường gặp các trường hợp như là hẹp, tắc động mạch chi dưới,…Về mặt lâm sàng, người bệnh thường cảm thấy đau, mỏi chân hay chuột rút khi đi bộ.

Sau khi nghỉ ngơi, các dấu hiệu sẽ biến mất, bệnh nhân có thể tiếp tục đi được cho đến khi xuất hiện lại các triệu chứng đau.

  • Không kiểm soát tốt đường máu.
  • Tăng huyết áp.
  • Rối loạn lipid máu.
  • Lười vận động, béo phì.
  • Hút thuốc lá và uống nhiều bia rượu.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch.

Với nhiều nguy cơ như vậy, câu hỏi đặt ra là chúng ta cần làm gì để phòng ngừa biến chứng tim mạch ở bệnh nhân Đái tháo đường?

Để phòng ngừa, bệnh nhân cần được phát hiện sớm và điều trị các yếu tố nguy cơ của bệnh lý tim mạch bao gồm:

  • Kiểm soát đường huyết, tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý kết hợp; nhìn chung phải đảm bảo lượng đường máu lúc đói ≤7,0-7,5 mmol/l , sau ăn 2 h≤ 10 mmol/l và HbA1C ≤6,5-7%. Đây là vấn đề mấu chốt nhất, nếu không kiểm soát tốt được đường máu, sẽ không thể khống chế được các biến chứng của đái tháo đường.
  • Kiểm soát tốt  huyết áp, mỡ máu.
  • Thay đổi khẩu phần ăn, giảm cân, phòng tránh béo phì.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ: giảm ăn muối, tinh bột, chất béo, đạm, tăng ăn rau xanh và các thực phẩm tươi sống,…
  • Kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc: Hormon tiết ra khi căng thẳng làm tăng huyết áp và khó kiểm soát đường máu.
  • Hạn chế rượu bia, giảm và dừng hút thuốc.
  • Tăng cường vận động thể lực, tốt nhất nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày mỗi tuần. Cách thức tập thể dục phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, cần tập cho ra mồ hôi.
  • Sử dụng nhật kí, sổ theo dõi hoặc biểu đồ để theo dõi chỉ số huyết áp, đường máu, nếu chỉ số cao bất thường phải liên hệ với bác sĩ ngay.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được truyền thông để nắm rõ các triệu chứng sớm của biến chứng tim mạch và đi khám kịp thời khi có bất cứ triệu chứng nghi ngờ có liên quan đến biến chứng tim mạch.

Việc thăm khám định kỳ có vai trò rất quan trọng đối với tầm soát, phát hiện và điều trị sớm các biến chứng tim mạch.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Benjamin EJ, Blaha MJ, Chiuve SE, Cushman M, Das SR, Deo R, et al. Heart disease and stroke statistics-2017 update: a report from the American Heart Association. Circulation (2017) 135:e146–603. doi:10.1161/CIR.0000000000000485
  2. American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes-2017, classification and diagnosis of diabetesDiabetes Care(2017) 40:S11–24. doi:10.2337/dc17-S005
  3. Ousa AG, Selvatici L, Krieger JE, Pereira AC. Association between genetics of diabetes, coronary artery disease, and macrovascular complications: exploring a common ground hypothesis. Rev Diabet Stud(2018) 8:230–44. doi:10.1900/RDS.2018.8.230
  4. Beaney KE, Cooper JA, McLachlan S, Wannamethee SG, Jefferis BJ, Whincup P, et al. Variant rs10911021 that associates with coronary heart disease in type 2 diabetes, is associated with lower concentrations of circulating HDL cholesterol and large HDL particle but not with amino acids. Cardiovasc Diabetol(2016) 15:115. doi:10.1186/s12933-016-0435-0
  5. Keating S, Plutzky J, El-Osta A. Epigenetic changes in diabetic and cardiovascular risk. Circ Res(2016) 118:1706–22. doi:10.1161/CIRCRESAHA.116.30681

Bài viết nằm trong chương trình hợp tác nhằm cập nhật kiến thức y khoa cho cộng đồng giữa Bệnh viện Bạch Mai và VPĐD Novo Nordisk.

BS CK II Hoàng Tiến Hưng

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường

Bệnh viện Bạch Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *