Béo phì ngày càng gia tăng trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tỉ lệ béo phì đã tăng gấp 3 lần tính từ năm 1975. Năm 2016, có hơn 1,9 tỷ người lớn trên 18 tuổi mắc thừa cân trong đó có 650 triệu người mắc béo phì. Ở trẻ em dưới 5 tuổi, theo ước tính của WHO có 39 triệu trẻ bị thừa cân, béo phì. Ở Việt Nam, tỉ lệ béo phì ở người lớn chiếm 2,1% dân số nhưng ngày càng gia tăng đặc biệt ở khu vực thành thị. Béo phì được coi là cửa ngõ dẫn đến nhiều bệnh đi kèm nhưng các bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm liên quan đến béo phì ít được chú ý.
- Nguy cơ trầm cảm ở bệnh nhân thừa cân, béo phì
Béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý nguy hiểm như đái tháo đường typ 2 , bệnh tim mạch, đột quỵ, hội chứng ngừng thở khi ngủ, ung thư. Béo phì có thể khiến người bệnh có nguy cơ bị các biến chứng nặng hơn khi mắc Covid – 19. Ngoài những vấn đề về sức khỏe thể chất, béo phì còn tăng các nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng có mối quan hệ hai chiều giữa béo phì và trầm cảm. Thanh thiếu niên bị trầm cảm có nguy cơ béo phì cao hơn khoảng 70%. Phụ nữ lớn tuổi béo phì có nguy cơ trầm cảm cao hơn 38% so với người bình thường. Có sự khác biệt về giới tính trong mối liên quan giữa béo phì và trầm cảm, nữ giới có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn nam giới. Sắc tộc cũng có mối liên quan đến tỉ lệ trầm cảm ở người bệnh béo phì. Phụ nữ da trắng mắc béo phì có liên quan đến tỉ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể. Béo phì có liên quan đến tỷ lệ rối loạn tâm lý và làm tăng tình trạng rối loạn lo âu tăng khoảng 25% và tăng tỷ lệ sử dụng chất gây nghiện khoảng 25%.
- Tâm lý đau khổ do không giảm được cân
Hiện nay, người ta chưa thực sự biết rõ tại sao những người thừa cân, béo phì có tâm lý lo lắng hơn những người khác. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể xuất phát từ những vấn đề mà họ phải đối mặt như:
– Sự kì thị, phán xét của những người xung quanh. Những bệnh nhân béo phì có thể không có bạn bè, người yêu, mất việc làm hoặc không thể tham gia những công việc yêu cầu cao về mặt ngoại hình .
– Vấn đề sức khỏe của bản thân và những bệnh đồng mắc đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đột quỵ, vô sinh…
– Cảm giác tiêu cực về bản thân, lòng tự trọng bị hạ thấp.
Các nguyên nhân trên đã khiến người bệnh béo phì rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Người bệnh cảm thấy buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động hoặc sở thích. Chính sự lo lắng, stress càng làm gia tăng hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận, làm tăng cảm giác thèm ăn và có thể dẫn đến thừa cân và béo phì.
Với người bệnh mắc chứng trầm cảm, thức ăn có thể là một cách để đối phó với cảm giác tiêu cực. Điều này dẫn đến việc tăng cân quá mức theo thời gian.
Tâm trạng chán nản cũng có thể làm cho người bệnh ít động lực tham gia hoạt động thể chất dẫn đến việc tăng cân. Đối với người bệnh béo phì, căng thẳng khi đối mặt với tình trạng này và những vấn đề trong cuộc sống có thể dẫn đến cảm giác tiêu cực, chuyển biến thành trầm cảm. Khi bệnh nhân béo phì điều trị thuốc chống trầm cảm hoặc thuốc chống loạn thần như amitriptyline, mirtazapine, paroxetine, olanzapine có thể gặp phải các tác dụng phụ của thuốc khiến bệnh nhân ngủ nhiều, tăng cân. Đây cũng là yếu tố khiến người bệnh khó kiểm soát cân nặng.
- Các định kiến, kì thị xung quanh của gia đình và xã hội
Kỳ thị về cân nặng bao gồm các hành vi và tư tưởng phân biệt đối xử nhằm vào những người có cân nặng vượt trên mức thông thường. Điều này gây ảnh hưởng tâm lý tiêu cực đến người thừa cân, béo phì.
Tâm lý kì thị cho rằng người bệnh béo phì lười biếng, thiếu ý chí nghị lực, thiếu tư cách đạo đức, kém vệ sinh, chỉ số thông minh thấp và không có sự cuốn hút về ngoại hình. Các tư tưởng kỳ thị có thể dẫn đến các hành vi kỳ thị. Những hành vi này có thể biểu hiện theo nhiều cách khác nhau. Những người bị béo phì có thể gặp phải những bình luận tiêu cực bằng lời nói, trêu chọc hoặc hành hung thể xác.
Người béo phì cũng gặp phải những khó khăn khi ở những nơi công cộng như không thể tìm thấy chỗ ngồi trong rạp chiếu phim hay chỗ ngồi trong khoang máy bay vì chúng không được thiết kế để phù hợp với những người béo phì. Điều này cũng được nhận thấy ở những cơ sở y tế, khi người bệnh béo phì đi khám hay vào viện, họ không tìm được một áo viện phù hợp với cơ thể họ hay băng đo huyết áp cũng không quấn vừa vòng tay của họ.
Tất cả những kì thị, định kiến của người xung quanh đã vô tình đẩy người bệnh béo phì vốn dĩ đã có cảm giác tiêu cực về bản thân nay lại càng rơi vào trạng thái lo âu, trầm cảm. Và như một vòng luẩn quẩn, rối loạn lo âu, trầm cảm lại càng làm cho người bệnh béo phì có xu hướng ăn nhiều hơn và càng khó kiểm soát cân nặng của mình.
Ở nước ngoài, tỉ lệ người bệnh thừa cân, béo phì nhiều hơn các nước Châu Á trong đó có Việt Nam nên người bệnh béo phì ít bị xoi mói và đánh giá của người xung quanh hơn. Tại Việt Nam, tỉ lệ béo phì thấp khoảng 2,1% nên người béo phì rất hay bị chú ý và dễ bị các tác động tiêu cực từ cộng đồng đặc biệt khi người bệnh đến nơi công cộng. Điều này đã gây ra một tâm lí ám ảnh không dễ gì gỡ bỏ đối với người bệnh béo phì.
- Tác động tích cực của giảm cân lên tâm lý
Có mối liên hệ chặt chẽ giữa cân nặng và sức khỏe thể chất và tinh thần. Bằng cách thay đổi lối sống, giảm cân tích cực, chúng ta có thể cải thiện những vấn đề này.
4.1. Chế độ ăn uống lành mạnh
Chế độ ăn uống lành mạnh và hạn chế lượng calo ăn vào cơ thể có thể giúp người bệnh giảm cân và giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe liên quan đến béo phì. Số lượng calo tiêu thụ phụ thuộc vào:
– Tuổi
– Chiều cao, cân nặng
– Mức độ hoạt động
Chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần của người bệnh béo phì. Serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh được tìm thấy trong cơ thể giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và sự thèm ăn. Phần lớn serotonin được sản xuất trong đường tiêu hóa. Thực phẩm chúng ta ăn vào có ảnh hưởng đến sản xuất serotonin và do đó tâm trạng của chúng ta cải thiện tích cực hơn.
Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm:
– Hoa quả và rau, các loại ngũ cốc
– Protein, bao gồm thịt, trứng, quả hạch, hạt và đậu nành
– Sữa ít béo hoặc không béo
– Dầu thực vật và chất béo lành mạnh.
– Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm có đường.
4.2. Ngủ đủ giấc
Mất ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, tinh thần và làm tăng nguy cơ béo phì. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng bị béo phì hơn những người ngủ từ 7 đến 8 giờ mỗi đêm.
Ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến nhiều chức năng của cơ thể, bao gồm cả quá trình trao đổi chất. Những người không ngủ đủ giấc cũng có xu hướng ăn nhiều thực phẩm giàu carbohydrate hơn, điều này có thể dẫn đến tăng cân.
Ngủ đủ giấc là điều cần thiết không chỉ để kiểm soát cân nặng của bạn và ngăn ngừa các tình trạng sức khỏe thể chất khác nhau mà còn để duy trì sức khỏe tinh thần tốt.
4.3. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục là một hoạt động quan trọng để kiểm soát cân nặng và sức khỏe tinh thần .Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn giảm cân và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, bệnh tim mạch.
Tập thể dục cũng có thể cải thiện sức khỏe tinh thần của bạn bằng cách giảm trầm cảm và lo lắng. Khi tập thể dục làm tăng lưu thông máu não và tác động đến trục dưới đồi-tuyến yên-thượng thận (HPA) từ đó tác động đến tâm trạng và làm giảm căng thẳng.
Các chuyên gia khuyên chúng ta nên tập thể dục cường độ trung bình ít nhất 150 phút mỗi tuần, có thể trải dài trong vài ngày. Ví dụ, chúng ta có thể tập thể dục 50 phút 3 ngày mỗi tuần hoặc 30 phút tập thể dục 5 ngày mỗi tuần.
Tập thể dục cường độ trung bình vừa phải bao gồm đi bộ nhanh, đạp xe với tốc độ trung bình. Nếu bạn đang tập thể dục cao như chạy bộ, bơi lội hoặc các môn thể thao đối kháng thì bạn nên tập thể dục ít nhất 75 phút mỗi tuần.
4.4. Các hình thức giải tỏa căng thẳng
Căng thẳng không chỉ liên quan đến các tình trạng sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo lắng mà còn liên quan đến hành vi ăn uống. Những người bị căng thẳng có thể có xu hướng ăn quá nhiều và dẫn đến béo phì. Đối với một số người, ăn uống có thể là một cách đối phó với căng thẳng, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề hơn. Thay vì chuyển sang ăn uống để làm giảm stress, có vô số hoạt động mà bạn có thể làm để giúp giảm bớt căng thẳng bao gồm:
– Nói chuyện với một người bạn hoặc thành viên gia đình
– Bày tỏ cảm xúc của bạn thông qua nghệ thuật, âm nhạc hoặc sách báo
– Đọc sách
– Tập thể dục
– Dành thời gian trong thiên nhiên
Cố gắng làm việc tốt, thành công
Nếu bạn thường xuyên thấy mình bị căng thẳng, bạn có thể nhận được từ việc điều trị sức khỏe tâm thần như trị liệu hoặc dùng thuốc. Liệu pháp hoặc tư vấn có thể giúp giảm căng thẳng bằng cách hướng dẫn bạn những phương pháp lành mạnh để đối phó với các vấn đề lo âu, trầm cảm.
Tóm lại, có mối quan hệ mật thiết giữa người bệnh béo phì và các vấn đề sức khỏe tâm thần. Béo phì có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể dẫn đến tăng cân và béo phì. Giảm cân tích cực với nhiều hoạt động thay đổi chế độ ăn, lối sống, hành vi thậm chí dùng thuốc giảm béo dưới sự giảm sát của bác sĩ chuyên khoa có thể giúp người bệnh thừa cân, béo phì cải thiện sức khỏe, tác động tích cực đến cân nặng và tinh thần của người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gregory E Simon, MD MPH. Association between obesity and psychiatric disorders in the US adult population. Arch Gen Psychiatry. 2006 Jul; 63(7): 824–830.doi: 10.1001/archpsyc.63.7.824
2.TM Rajan and V Menon. Psychiatric disorders and obesity: A review of association studies. J Postgrad Med. 2017 Jul-Sep; 63(3): 182–190.doi: 10.4103/jpgm.JPGM_712_16
- L.Lykouras,J.Michopoulos.Anxiety disorders and obesity.Psychiatriki.Oct-Dec 2011;22(4):307-13.
- Beatriz Villagrasa Blasco1,Jesús García-Jiménez. Obesity and Depression: Its Prevalence and Influence as a Prognostic Factor: A Systematic Review. Psychiatry Investig 2020;17(8):715-724
Ths. BS. Đặng Bích Ngọc
Khoa Nội Tiết – Đái tháo đường bệnh viện Bạch Mai

Khoa Nội Tiết – Đái Tháo Đường
Bệnh viện Bạch Mai