Đái tháo đường typ 2 là bệnh lý có cơ chế bệnh sinh phức tạp, thường có nhiều bệnh đi kèm và nguy cơ cao bị các biến chứng. Vì vậy Hội đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cần được điều trị và theo dõi bởi một nhóm các thầy thuốc đa chuyên khoa, bao gồm:
- Bác sỹ và điều dưỡng chuyên khoa Nội hoặc Nội tiết:
Tốt nhất thì các bệnh nhân đái tháo đường nên được điều trị và theo dõi bởi bác sỹ chuyên khoa nội tiết. Một số ít bệnh nhân ổn định, chưa có biến chứng có thể được quản lý bởi bác sỹ nội khoa hoặc bác sỹ gia đình, tuy nhiên định kỳ mỗi 6 tháng hoặc khi có biến chứng hay đường huyết khó kiểm soát thì họ nên được gửi đến khám chuyên khoa nội tiết để điều chỉnh phác đồ điều trị.
Cùng với Bác sỹ, các Điều dưỡng cũng có vai trò rất quan trọng, họ có trách nhiệm hướng dẫn và tư vấn cho bệnh nhân, trực tiếp hoặc qua điện thoại, về cách dùng thuốc, cách tiêm và bảo quản insulin, cũng như cách đo đường huyết mao mạch…
- Chuyên gia dinh dưỡng và tập luyện thể lực:
Để kiểm soát tốt đường huyết, các bệnh nhân đái tháo đường typ 2 cần thay đổi lối sống, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn và tập thể dục thường xuyên, đây được coi là điều trị nền tảng của bệnh đái tháo đường và đặc biệt quan trọng với những người thừa cân hoặc béo phì. Các chuyên gia về dinh dưỡng và vận động sẽ tư vấn chi tiết cho cả người bệnh và người thân của họ về thực đơn hàng ngày cũng như cách thức tập luyện thế nào để đạt hiệu quả cao và an toàn nhất.
- Bác sỹ tim mạch:
Kháng insulin là cơ chế chính gây đái tháo đường typ 2, và nó có liên quan mật thiết với béo phì, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu. Do đó bệnh nhân đái tháo đường typ 2 thường có một số bệnh đi kèm như tăng huyết áp (khoảng 70-80%), rối loạn lipid máu (khoảng 90%). Kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy khoảng 80% số bệnh nhân đái tháo đường sẽ có các biến chứng tim mạch, chủ yếu do xơ vữa động mạch và những người có biến chứng tim mạch nặng như nhồi máu cơ tim, suy tim hay tăng huyết áp kháng trị… sẽ cần được thăm khám và quản lý bởi bác sỹ tim mạch.
- Bác sỹ chuyên khoa thận, chuyên khoa mắt:
Theo kết quả điều tra dịch tễ năm 2014, có khoảng 2/3 số bệnh nhân đái tháo đường typ 2 ở Việt Nam không được chẩn đoán, nên ngay lúc được phát hiện bệnh đái tháo đường thì đã có khoảng 30% các bệnh nhân đã có các biến chứng đái tháo đường. Sau khoảng 10 năm, 50% số bệnh nhân đã có các biến chứng nặng như suy thận, mù mắt, loét chân… nên cần được khám và quản lý bởi bác sỹ chuyên khoa thận, bác sỹ mắt chuyên về bệnh mắt đái tháo đường…Những bệnh nhân đái tháo đường có các biến chứng mạn tính nặng như suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu, hay liệt nửa người do tai biến mạch máu não… sẽ cần được điều trị chuyên khoa sâu về thận nhân tạo hoặc phục hồi chức năng.
- Bác sỹ chuyên về bàn chân đái tháo đường:
Loét, nhiễm trùng bàn chân thường là hậu quả của kiểm soát đường huyết kém hoặc biến chứng thần kinh ngoại vi, tắc động mạch chi dưới. Những bệnh nhân có loét bàn chân do đái tháo đường thường phải điều trị dài ngày, tốn kém và có nguy cơ cao bị cắt cụt bàn chân, trở thành người tàn tật. Vì vậy ở các nước phát triển có đội ngũ bác sỹ bàn chân (Podiatrist) chuyên chăm sóc bàn chân cho bệnh nhân đái tháo đường. Tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi đã có riêng đơn vị Chăm sóc bàn chân đái tháo đường, điều trị rất hiệu quả loét bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Chuyên gia Tâm lý hoặc Bác sỹ Tâm thần:
Tỷ lệ bị trầm cảm hoặc rối loạn lo âu ở người bệnh đái tháo đường cao gấp 2-3 lần người bình thường, hay xảy ra khi mới được chẩn đoán đái tháo đường hoặc khi có các biến chứng mạn tính nặng của đái tháo đường. Khi bị trầm cảm, họ thường ăn nhiều, ít tập luyện thể lực và không tuân thủ chế độ dùng thuốc, dẫn đến kiểm soát đường huyết tồi. Vì vậy các chuyên gia tâm lý hiện là thành viên quan trọng trong đội ngũ chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường.
- Dược sỹ lâm sàng:
Dược sỹ lâm sàng là những Dược sỹ sát cánh cùng các Bác sỹ trong quá trình điều trị bệnh nhân đái tháo đường, để đảm bảo đơn thuốc cho người bệnh có hiệu quả và an toàn cao nhất. Bên cạnh đó, họ cũng trực tiếp tham gia hướng dẫn người bệnh đái tháo đường về cách sử dụng thuốc hợp lý, tránh bị tương tác thuốc và hạn chế các tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường, đặc biệt là ở những người có suy thận, xơ gan hoặc hay bị hạ đường huyết. Tại bệnh viện Bạch Mai, nhờ có Dự án hợp tác với Nhật Bản mà Khoa Dược đã xây dựng được nhiều tài liệu hướng dẫn người bệnh đái tháo đường về cách dùng thuốc đúng và an toàn.
- Chuyên gia công nghệ:
Gần đây, nhất là trong đại dịch Covid 19, khám chữa bệnh từ xa đã trở thành một xu thế và là giải pháp tích cực và hiệu quả trong quản lý và điều trị các bệnh mạn tính, trong đó có bệnh đái tháo đường. Bên cạnh đó, những kỹ thuật mới về đo đường huyết liên tục và bơm insulin… được coi là bước tiến lớn trong kiểm soát đường huyết, vì vậy cả thầy thuốc và bệnh nhân đái tháo đường đều cần sự hỗ trợ của các chuyên gia công nghệ để kết nối và điều trị đái tháo đường đạt hiệu quả cao nhất.
Tài liệu tham khảo:
- Margaret McGill, et al. The interdisciplinary team in type 2 diabetes management: Challenges and best practice solutions from real-world scenarios. J Clin Transl Endocrinol. 2017 Mar; 7: 21–27.
- American Diabetes Association. Comprehensive Medical Evaluation and Assessment of Comorbidities: Standards of Medical Care in Diabetes—2020. Diabetes Care 2020 Jan; 43(Supplement 1): S37-S47.
TS.BS Nguyễn Quang Bảy
Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai

Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai