Thực trạng quản lý bệnh tim mạch xơ vữa ở người đái tháo đường typ 2 và giải pháp

  1. Bệnh tim mạch do xơ vữa là gì:

Xơ vữa động mạch (XVĐM) là tình trạng viêm mạn tính lan tỏa của thành động mạch, biểu hiện là tổn thương của lớp nội mạc động mạch và hình thành mảng vữa xơ, gây hẹp lòng động mạch, dẫn đến thiếu máu và thay đổi chuyển hóa chất ở các mô do thiếu nuôi dưỡng. Đôi khi, mảng vữa xơ bị xói mòn hoặc nứt vỡ sẽ tạo thành các cục huyết khối di chuyển khắp cơ thể, gây tắc một phần hoặc hoàn toàn động mạch và gây đe dọa tính mạng. Bệnh thường tiến triển qua nhiều năm và ảnh hưởng đến hệ mạch của nhiều cơ quan trong cơ thể, các biểu hiện lâm sàng chính của XVĐM là nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, bệnh động mạch cảnh và bệnh động mạch ngoại vi. Các nghiên cứu cho thấy bệnh tim mạch do xơ vữa có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, trong đó sự tích tụ các hạt mỡ và quá trình viêm mạn tính ở thành động mạch đóng vai trò chính. Đái tháo đường (ĐTĐ) và XVĐM có mối liên quan mật thiết thông qua một số yếu tố sinh bệnh như rối loạn lipid máu, tăng đường máu, stress oxy hóa và tình trạng viêm. Các nghiên cứu trên bệnh nhân ĐTĐ đều cho thấy có tăng nguy cơ và xuất hiện cũng như tiến triển dần của XVĐM ở các mức độ.

  1. Tỉ lệ mắc bệnh tim mạch do xơ vữa ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2

Theo số liệu từ nghiên cứu CAPTURE – là một nghiên cứu cắt ngang, đa trung tâm được thực hiện trên 9823 bệnh nhân ĐTĐ typ 2 ở 214 bệnh viện, trên 13 quốc gia từ 5 châu lục khác nhau trong thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 9/2019 – cho thấy: tỉ lệ bệnh tim mạch do vữa xơ khá cao, chiếm 31,8% trong đó tỉ lệ bệnh mạch vành chiếm 17,7% (10,9% đau thắt ngực ổn định, 4,6% nhồi máu cơ tim, 4,5% có tiền sử tái thông động mạch); bệnh mạch cảnh chiếm 8,4%; bệnh mạch não chiếm 7,2% (5% nhồi máu não, 1,2% nhồi máu không đặc hiệu, 0,8% thiếu máu não thoáng qua, 0,3% xuất huyết não); bệnh động mạch ngoại vi chiếm 2,6% (1,3% bệnh động mạch ngoại vi không triệu chứng, 0,4% thiếu máu chi, 0,2% cắt cụt chi không do chấn thương, 0,7% đau cách hồi). Kết quả của nghiên cứu CAPTURE cũng phù hợp với kết luận của Einarson thống kê từ 57 nghiên cứu ở 25 quốc gia trên 4,5 triệu bệnh nhân ĐTĐ typ 2 từ 1987 – 2015 cho thấy tỉ lệ bệnh tim mạch do xơ vữa là 29,1%. Như vậy, ở các bệnh nhân ĐTĐ typ 2, bệnh tim mạch do xơ vữa có xu hướng gia tăng theo thời gian

Đặc điểm chung của các bệnh nhân ĐTĐ có bệnh tim mạch do xơ vữa so với các bệnh nhân ĐTĐ không có bệnh tim mạch trong nghiên cứu CAPTURE là tuổi cao hơn (61,3% & 50,7%) và thời gian mắc ĐTĐ lâu hơn (13 năm & 9,8 năm)

  1. Tỉ lệ được điều trị với thuốc kiểm soát đường huyết có hiệu quả trên bệnh tim mạch xơ vữa:

Số liệu từ nghiên cứu CAPTURE cho thấy chưa đến 25% bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có tiền sử bệnh tim mạch trước đó được sử dụng các thuốc hạ đường huyết có hiệu quả trên bệnh tim mạch do vữa xơ (nhóm đồng vận GLP-1 và nhóm ức chế SGLT2). Năm 2015, nghiên cứu của Weng W cho thấy tỉ lệ sử dụng đồng vận GLP-1 (7,9%) và ức chế SGLT2 (8,8%) rất thấp trong số 500 000 người Mỹ mắc ĐTĐ typ 2 có kèm bệnh tim mạch do xơ vữa. Do đó, các nước cần có những hành động tích cực hơn nhằm làm giảm gánh nặng của bệnh tim mạch do xơ vữa trên các đối tượng nguy cơ cao, trong đó có người bệnh ĐTĐ typ 2 bằng những khuyến cáo sử dụng đồng vận GLP-1 hoặc ức chế SGLT2 lên mức ưu tiên cao hơn trong điều trị ở các bệnh nhân ĐTĐ typ 2 đã có bệnh tim mạch hoặc có nguy cơ cao hay rất cao mắc biến cố tim mạch. Thực tế, việc áp dụng các khuyến cáo vào điều trị sẽ khác nhau tùy theo từng nước, do phụ thuộc vào thủ tục cấp phép cũng như chính sách chi trả bảo hiểm y tế hay điều kiện kinh tế của người bệnh, và điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến việc sử dụng các thuốc hạ đường huyết có hiệu quả trên bệnh tim mạch do xơ vữa, đồng thời lý giải tỉ lệ bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có bệnh tim mạch xơ vữa được sử dụng nhóm thuốc này thấp hơn kỳ vọng.

  1. Các giải pháp thực tế:
  • Giảm giá thành thuốc
  • Giảm rào cản trong các thủ tục cấp phép thuốc lưu hành
  • Tăng quỹ bảo hiểm y tế cho người bệnh, đưa các thuốc điều trị ĐTĐ có lợi ích trên bệnh tim mạch xơ vữa vào chương trình bảo hiểm y tế.

Tài liệu tham khảo

  1. Ofri Mosenzon, Abdullah Alguwaihes et al (2021). CAPTURE: a multinational, cross-sectional study of cardiovascular disease prevalence in adults with type 2 diabetes across 13 countries. Cardiovascular Diabetology, 20:154
  2. Weng W, Tian Y et al (2019). The prevalence of cardiovascular disease and antidiabetes treatment characteristics among a large type 2 diabetes population in the United States. Endocrinol Diabetes Metab;2:e00076.
  3. Einarson TR, Acs A et al (2018). Prevalence of cardiovascular disease in type 2 diabetes: a systematic literature review of scientific evidence from across the world in 2007 – 2017. Cardiovasc Diabetol;17:83.

BS Lâm Mỹ Hạnh

Khoa Nội tiết – ĐTĐ, BVBM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *