Thừa cân, béo phì – nguyên nhân và giải pháp

  1. Tổng quan về béo phì

Béo phì là một bệnh mãn tính, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng ở cả nước phát triển và đang phát triển. Tình trạng béo phì tăng góp phần gây ra 4 triệu ca tử vong hàng năm. Chi phí chăm sóc sức khỏe của bệnh béo phì ước tính khoảng 2 nghìn tỷ đô la Mỹ trên toàn thế giới. Nhiều nghiên cứu cho thấy gần 108 triệu trẻ em (tỷ lệ hiện mắc ~ 5%) và 604 triệu người trưởng thành (~ 12%) bị béo phì. Tỷ lệ béo phì tăng gấp 2 lần ở trên 70 quốc gia từ năm 1980 đến năm 2015, phụ nữ cao hơn nam giới, bắt đầu tăng sau 14 tuổi. Tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như đái tháo đường tip 2, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, viêm khớp, ngừng thở khi ngủ, gan nhiễm mỡ và một số bệnh ung thư cũng tăng lên, làm giảm tuổi thọ trung bình của người bệnh.

Theo tổ chức y tế thế giới, béo phì được định nghĩa dựa trên chỉ số khối cơ thể với (BMI) ≥ 30 kg/m2, còn với chỉ số BMI từ 25 đến 29,9 kg/m2 là thừa cân. Dựa vào thang phân loại dành cho người châu Á, một người được coi là béo phì khi BMI ≥ 25 kg/m2, còn thừa cân với chỉ số BMI từ 23 đến 24,9 kg/m2. Hiện tượng này là do mất cân bằng giữa lượng chất đưa vào và nhu cầu thực của cơ thể.

  1. Nguyên nhân béo phì

Hiện nay, béo phì là do sự tác động của đa yếu tố và phối hợp nhiều nguyên nhân. Một số nghiên cứu cho thấy bệnh có tính di truyền hay những biến đổi trong gen. Có ít nhất 7 yếu tố gây ra bệnh béo phì, các yếu tố này tác động qua lại với nhau để gây nên bệnh:

Yếu tố di truyền: là một yếu tố rất quan trọng dẫn đến bệnh béo phì. Sự tham dự về phần di truyền của bệnh tương ứng với sự di truyền đa gen, nghĩa là có nhiều gen cùng tham gia, có 250 vị trí của gen trên nhiễm sắc thể đã được xác định liên quan đến béo phì.

Yếu tố xã hội: Là những yếu tố đặc biệt quan trọng gây nên bệnh, nhất là ở phụ nữ. Trong xã hội phát triển như xã hội của các nước phương Tây thì bệnh béo phì xảy ra nhiều ở những phụ nữ lao động chân tay và có cuộc sống kinh tế thấp hơn ở những phụ nữ lao động trí óc và có đời sống kinh tế ở mức cao.

Các rối loạn nội tiết và chuyển hóa: Những bệnh nhân bị rối loạn nội tiết và chuyển hóa: u vỏ thượng thận, mãn kinh, rối loạn chuyển hóa đường và lipid, … sẽ kích thích tạo mô mỡ. Sự hình thành nhiều mô mỡ trong cơ thể làm gia tăng nhu cầu về chất đường, kéo theo gia tăng nhu cầu về insulin, sự gia tăng hai chất này kích thích tạo mô mỡ và hình thành một vòng xoắn bệnh lý luẩn quẩn rất khó điều trị.

Yếu tố tâm lý: Những rối loạn tâm lý và tình cảm của người bị béo phì hiện nay được xem là hậu quả của những thành kiến và kỳ thị đối với họ hơn là nguyên nhân của bệnh. Có hai hội chứng rối loạn về tâm thần có thể gây nên bệnh béo phì, đó là: hội chứng ăn uống vô độ và hội chứng ăn đêm, bao gồm biếng ăn vào buổi sáng nhưng lại ăn rất nhiều về ban đêm đi kèm với mất ngủ. Cả hai đều là những yếu tố quan trọng gây rối loạn giữa lượng thức ăn đưa vào cơ thể và năng lượng tiêu hao trong quá trình hoạt động, gây ra tích tụ mỡ và tăng trọng lượng cơ thể.

Các yếu tố tăng trưởng của cơ thể: Sự gia tăng khối lượng cơ thể trong bệnh béo phì có thể do sự gia tăng kích thước của tế bào mỡ, gọi là béo phì phì đại hoặc sự gia tăng số lượng của tế bào mỡ, còn gọi là béo phì tăng sản hoặc phối hợp cả hai. Béo phì xuất hiện ở tuổi trưởng thành thường là béo phì phì đại và việc giảm cân nặng ở những bệnh nhân này có vẻ dễ hơn, chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về lượng cũng như chất của thức ăn đưa vào cơ thể, kết hợp với luyện tập thể lực và sử dụng một số thuốc điều trị giúp giảm cân và duy trì cân nặng mong muốn. Trong khi đó, béo phì xuất hiện ở tuổi thiếu niên thường là béo phì theo kiểu tăng sản hoặc phối hợp cả hai và việc cố gắng giảm cân thực sự rất khó khăn, nhiều trường hợp gần như là không tưởng. Do đó, việc ngăn ngừa bệnh béo phì ngay từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Điều này trái ngược với tâm lý chuộng những đứa trẻ béo tốt mà các bậc cha mẹ trong thời đại hiện nay mong muốn.

Hoạt động thể lực: Việc giảm hoạt động thể lực một cách rõ rệt ở một xã hội có nền kinh tế phát triển và tiện nghi như ngày nay cũng là một yếu tố đáng kể gây nên bệnh béo phì. Ở những người này, cán cân về năng lượng sẽ bị thiên lệch cung nhiều hơn cầu và làm tăng béo phì. Ở Mỹ, mặc dù mỗi người dân đã cố gắng giảm bớt 10% số năng lượng thức ăn đưa vào cơ thể nhưng tỉ lệ béo phì vẫn tăng lên gấp hai lần so với những năm đầu thế kỷ.

Các tổn thương ở não: Các tổn thương ở não của bệnh nhân đặc biệt là ở vùng dưới đồi có thể gây bệnh béo phì. Mặc dù đây là một nguyên nhân rất hiếm gặp.

  1. Các giải pháp điều trị béo phì

3.1. Sử dụng loại bữa ăn năng lượng thấp

Bữa ăn giảm cân là bữa ăn có tổng số năng lượng ăn vào thấp. Chế độ ăn ít năng lượng được khuyến nghị trong điều trị bệnh béo phì gồm: tỷ lệ chất béo thấp (30%), carbohydrat (55%), protein cao (25%) và nhiều chất xơ (25g/ngày) nghĩa là chế độ ăn ít chất béo, hàm lượng carbohydrat và đạm cao để giảm năng lượng thức ăn vào giúp chậm tăng cân và duy trì giảm cân bền vững.

Chế độ ăn có chất béo bão hòa chiếm tối đa 7% tổng năng lượng để giảm thiểu lượng chất béo chuyển hóa, chú ý tỷ lệ giữa axit béo bão hòa và không bão hòa, tăng cường chất béo không bão hòa giàu omega – 3 giúp giảm rối loạn lipid máu và có lợi cho các bệnh nhân tim mạch.

Ăn giảm carbohydrat giúp giảm cân, từ đó giảm đề kháng insulin và giảm huyết áp. Tuy nhiên, ăn quá ít carbohydrat lại không tốt cho cơ thể vì làm giảm khối lượng nạc cơ thể, tăng LDL – c, tăng axit uric, tăng thải canxi qua nước tiểu.

Chế độ ăn nên tăng đạm vì đạm có khả năng sinh nhiệt cao cùng carbohydrat và duy trì cân nặng bền vững.

3.2. Hoạt động thể lực

Hoạt động thể lực là một phần không thể thiếu trong điều trị béo phì toàn diện, được điều chỉnh riêng phù hợp với tình trạng béo phì, tuổi tác và sự có mặt của các bệnh đồng mắc ở mỗi đối tượng. Hoạt động thể lực không chỉ góp phần tăng tiêu hao năng lượng và giảm mỡ mà còn bảo vệ chống lại sự mất khối nạc của cơ thể, cải thiện tim mạch, giảm các nguy cơ khác do tác động của béo phì gây lên. Thể dục cải thiện vận chuyển oxy đến cơ, thúc đẩy việc sử dụng hiệu quả các kho dự trữ chất béo dồi dào thay vì lấy glycogen dự trữ.

Hoạt động thể lực ở cường độ vừa phải, thời lượng 30 – 60 phút/ ngày, thực hiện trong 5 ngày/ tuần (150 phút/ tuần), cường độ tập luyện tùy từng cá thể, phụ thuộc tuổi tác, mức độ thừa cân và bệnh lý đi kèm. Thực hiện tập luyện kiên trì trong một tháng có thể giảm năng lượng tương ứng 0,5kg/ 1 tuần.

Các hoạt động như đi bộ, đi xe đạp, leo cầu thang và leo núi đều được khuyến khích. Đối với những người bị viêm khớp nặng, có vấn đề vận động nên thể dục trong

nước nóng, các hoạt động mạnh dẫn đến quá tải các khớp như nhảy nên tránh.

Tập thể dục kết hợp với chế độ ăn giúp giảm cân tốt hơn là chỉ thực hiện chế độ ăn kiêng.

3.3. Thay đổi hành vi, yếu tố tâm lý và lối sống

Yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến quá trình giảm cân và quan trọng hơn là khả năng duy trì giảm cân lâu dài. Thay đổi lối sống, tự giám sát, kiểm soát căng thẳng và kích thích, giải quyết vấn đề, khuyến khích những thay đổi hành vi tích cực có thể giảm cân tới 9% trong 20 tuần.

Một nghiên cứu trên 3.234 bệnh nhân bệnh nhân thừa cân và béo phì được chọn ngẫu nhiên chia 3 nhóm: giả dược, dùng metformin và thay đổi lối sống tích cực cho kết quả giảm cân tương ứng ở từng nhóm là 0,4kg; 2,7kg và 6,7kg trong 1 năm. Sau 4 năm theo dõi, kết quả giảm cân ở 3 nhóm vẫn duy trì là 0,2; 1,3; 3,5. Ngoài ra, thay đổi lối sống không chỉ giảm cân mà còn giảm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường là 58%.

Kiểm soát lối sống, đặc biệt là tự chủ cân bằng năng lượng hàng ngày, tự theo dõi cân nặng và hoạt động thể chất là yếu tố quyết định thành công duy trì giảm cân.

3.4. Sử dụng thuốc điều trị béo phì

Thuốc điều trị béo phì được chỉ định hỗ trợ giảm cân kết hợp với thay đổi lối sống giúp duy trì

giảm cân và giảm các nguy cơ liên quan đến bệnh. Thuốc tác động đến hệ thần kinh trung ương hoặc

các mô ngoại vi nhằm điều chỉnh các rối loạn do béo phì gây ra.

Trước đây, một số thuốc điều trị béo phì được sử dụng duy trì giảm cân lâu dài, thời gian dùng từ 1 đến 4 năm.

Sibutramine là một serotonin ức chế tái hấp thu norepinephrine gây ra cảm giác no và giảm tốc độ chuyển hóa. Tuy nhiên, thuốc bị ngừng lưu hành tại Việt nam năm 2010 do tác động nghiêm trọng lên tim mạch ở người có nguy cơ cao và hiện không phải là thuốc điều trị béo phì.

Rimonabant là một chất chẹn thụ thể cannabinoid-1 chọn lọc, ức chế thụ thể cannabinoid trong hệ thần kinh trung ương, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa làm giảm cảm giác thèm ăn. Thuốc có tên thương mại là Acomplia, hiện ngừng sử dụng điều trị béo phì trên thế giới do tác dụng phụ nghiêm trọng về tâm thần.

Hiện nay, tại Việt nam chỉ phê duyệt thuốc điều trị béo phì là Liraglutide và Orlistat.

Orlistat là chất ức chế lipase đường tiêu hóa làm giảm tái hấp thu chất béo trong ruột. Người bệnh dùng thuốc giảm cân tốt. Thuốc có nhiều lợi ích trên bệnh nhân có hội chứng chuyển hóa.

Liraglutide là thuốc đồng vận thụ thể giống peptid 1, làm giảm cảm giác thèm ăn và năng lượng nạp vào. Thuốc kích thích giải phóng insulin và giảm bài tiết glucagon để đáp ứng tình trạng tăng đường huyết. Điều trị bằng liraglutide kết hợp với chế độ ăn và tập luyện có thể giảm trọng lượng cơ thể trung bình 7,6kg trong 2 năm so với orlistat là 5,5kg.

Việc dùng thuốc cho bệnh nhân điều trị béo phì cần tuân thủ các chỉ định và chống chỉ định. Ví dụ: orlistat không được sử dụng cho bệnh nhân bị ứ mật; các thuốc tác dụng trung ương được chỉ định thận trọng ở những bệnh nhân trầm cảm…

Mục tiêu tiếp theo với các thuốc điều trị béo phì gồm: đánh giá yếu tố dự báo giảm cân và sự duy trì tác dụng của thuốc; tác dụng chính của thuốc và những nguy cơ; hiệu quả và an toàn của việc kết hợp điều trị thuốc và thuốc chống béo phì ở trẻ em, thanh thiếu niên và bệnh nhân cao tuổi.

3.5. Phẫu thuật dạ dày

Là phương pháp điều trị hiệu quả nhất với bệnh béo phì về mặt giảm cân, nguy cơ sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống. Phương pháp này được chỉ định cho các bệnh nhân có BMI ≥ 40,0kg/m2 hoặc với BMI từ 35,0 đến 39,9kg/m2 có bệnh đi kèm. Ngoài ra, có thể cân nhắc điều trị ở thanh thiếu niên béo phì trưởng thành đã thất bại giảm cân khi thực hiện một chương trình toàn diện ít nhất 6 –12 tháng. Ở bệnh nhân cao tuổi (> 60 tuổi), phẫu thuật dạ dày được xem xét dựa trên yếu tố nguy cơ và lợi ích.

Mục tiêu chính phẫu thuật ở người già là cải thiện chất lượng cuộc sống chứ không có khả năng tăng tuổi thọ.

3.6. Hormon và yếu tố di truyền ảnh hưởng tới giảm cân

Trong khi các yếu tố dinh dưỡng và tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cân thì vai trò

của nội tiết và di truyền chưa được chú ý.

Gần đây, nhiều nghiên cứu cho thấy một số hormon của hệ thần kinh trung ương, mô mỡ và ống tiêu hóa có vai trò điều hòa năng lượng. Lượng hormon có liên quan tới giảm cân và duy trì giảm cân. Tỷ lệ leptin/ BMI cao là một dấu hiệu kháng leptin, dự báo thất bại trong duy trì giảm cân, nồng độ leptin thấp dự báo khả năng giảm cân tốt hơn. Lượng ghrelin (một hormon được sản sinh ở ruột) có tác động đến điều chỉnh cảm giác thèm ăn. Peptid YY – một hormon được tiết ra ở ruột – làm giảm năng lượng ăn vào, từ đó giảm cân. Nồng độ hormon GH, peptid YY, protein C phản ứng dự báo được 49,8% khả năng giảm cân. Nếu nồng độ GH cao, nồng độ peptid YY và neuropeptid Y giảm thì khả năng giảm cân là cao.

Một số yếu tố di truyền ảnh hưởng đến béo phì gồm các gen obesogenic và leptogenic. Gen có liên quan tới 40 – 70% thành phần béo phì, ảnh hưởng tới kiểm soát cân nặng, thèm ăn, hành vi ăn uống và quá trình chuyển hóa. Ngoài ra, nhiều kiểu gen còn liên quan tới hiệu quả tác động của thuốc.

Béo phì là bệnh mạn tính do nhiều nguyên nhân gây ra. Bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nếu không được kiểm soát tốt. Điều trị béo phì cần phối hợp nhiều biện pháp và chuyên khoa khác nhau với mục đích làm giảm cân và duy trì giảm cân bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các bệnh lý đi kèm.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Collaborators GBDO, Afshin A, Forouzanfar MH, et al. Health effects of overweight and obesity in 195 countries over 25 years. N Engl J Med. 2017;377(1):13-27.
  2. Diabetes Care, Volume 31, Supplement 2, February 2008.
  3. Diabetes Obes Metab. 2021;23(Suppl. 1): 3-16. wileyonlinelibrary.com/journal/dom
  4. Haslam DW, Jame WPT: Obesity. Lancet 366: 1197-1209, 2005
  5. Sarma S, Sockalingam S, Dash S. Obesity as a multisystem disease: Trends in obesity rates and obesity-related complications. Diabetes Obes Metab. 2021;23
  6. Tremmel M, Gerdtham UG, Nilsson PM, Saha S. Economic burden of obesity: a systematic literature review. Int J Environ Res Public Health. 2017;14(4). (Suppl. 1):3–
  7. Wharton S, Lau DCW, Vallis M, et al. Obesity in adults: a clinical practice guideline. CMAJ. 2020;192(31):E875-E891.

 

Lê Thị Vân Anh

Khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *