Thừa cân, béo phì – ảnh hướng tới tăng huyết áp và bệnh lý tim mạch

Béo phì là một bệnh mãn tính, phức tạp, là nguyên nhân đứng hàng thứ 2 (sau hút thuốc lá) gây tử vong có thể ngăn ngừa được ở Hoa Kỳ. Bệnh có xu hướng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, tạo ra một đại dịch sức khỏe toàn cầu. Béo phì có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, là nguyên nhân gây tử vong số một, góp phần làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và giảm chất lượng cuộc sống.

Béo phì được định nghĩa là có chỉ số khối cơ thể (BMI) bằng hoặc lớn hơn 30 kg / m2, hoặc ≥ 25 kg/m2 đối với người châu Á.

  1. BÉO PHÌ VÀ NGUY CƠ DẪN TỚI BỆNH LÝ TIM MẠCH

Béo phì là một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tim mạch, ảnh hưởng bất lợi đến chức năng và cấu trúc của tim cũng như lớp nội mạc mạch máu, góp phần gây ra các triệu chứng như suy tim, rung nhĩ, bệnh mạch vành, đột quỵ và huyết khối tĩnh mạch.

Có một số thay đổi sinh lý và chuyển hóa liên quan đến béo phì có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, bao gồm kháng insulin và tăng insulin máu, đái tháo đường týp 2, bất thường lipid, tăng huyết áp, tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, viêm hệ thống, kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, và rối loạn chức năng nội mô.

Hậu quả có hại của béo phì bao gồm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch.  Với người có BMI trên 25 kg/m2, BMI tăng mỗi 5 đơn vị (ví dụ bệnh nhân có BMI 26 kg/m2 tăng lên 31 kg/m2), tử vong do bệnh lý mạch máu tăng 40%.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh béo phì làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch như:

1.1.Suy tim

Béo phì và suy tim  được chứng minh có mối quan hệ liên quan đến nhau.  Nguy cơ mắc bệnh suy tim tăng lên xấp xỉ hai lần ở những người bị béo phì so với những người không béo phì. Chỉ số BMI cao có liên quan đến tăng nguy cơ suy tim – cứ một đơn vị chỉ số BMI tăng thì nguy cơ suy tim tăng tương ứng 5% ở nam giới và và 7% ở phụ nữ.

Những người bị béo phì có sự gia tăng các mô mỡ làm tăng sức cản mạch máu và do đó làm tăng công việc mà tim phải làm để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn tới phì đại tâm thất trái và suy tim.

  • Rung nhĩ

Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất ở người lớn, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, có thể di chuyển đến não, dẫn đến đột quỵ.

Một nghiên cứu cho thấy béo phì làm tăng 49% nguy cơ phát triển rung nhĩ và nguy cơ này tăng lên khi chỉ số BMI cao hơn. Ước tính rằng 1/5 trường hợp rung nhĩ có thể là do béo phì.

  • Bệnh mạch vành

Nhìn chung, béo phì có liên quan đến sự gia tăng xơ vữa động mạch, do tăng mức LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và giảm mức HDL-cholesterol (cholesterol tốt). Khi mảng bám tích tụ trong các mạch máu của tim, nó có thể chặn một phần hoặc hoàn toàn dòng chảy của máu đến tim. Điều này dẫn đến giảm phân phối oxy đến các cơ tim, gây ra đau ngực (đau thắt ngực) và / hoặc nhồi máu cơ tim. Béo phì còn có thể ảnh hưởng đến hoạt động điện của tim và liên quan những biến đổi bất thường về dẫn truyền nhịp tim, do đó làm tăng nguy cơ đột tử tim. Một nghiên cứu lớn (Framingham) cho thấy béo phì chiếm 23% các trường hợp bệnh mạch vành tim ở nam giới và 15% ở nữ giới.

  • Đột quỵ

Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ bao gồm tăng huyết áp, rung nhĩ, tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ, tiểu đường, ít vận động và cholesterol trong máu cao. Béo phì là mối liên hệ phổ biến giữa các yếu tố nguy cơ này.

  • Huyết khối tĩnh mạch

Một phát hiện phổ biến ở bệnh béo phì nặng là phù chân, có thể là hậu quả của tác động cấu trúc và chức năng của trọng lượng dư thừa lên tim. Phù chân và giảm khả năng vận động gặp ở những người thừa cân và béo phì làm giảm chức năng bơm máu. Nguy cơ mắc các vấn đề về dòng chảy tĩnh mạch chi dưới nghiêm trọng và kéo dài (ứ đọng tĩnh mạch) gây loét chân và nhiễm trùng da. Nguy cơ hình thành cục máu đông ở chân, được gọi là huyết khối tĩnh mạch chi dưới, cục máu đông này sẽ có thể đi về tim và di chuyển lên phổi được gọi là thuyên tắc phổi. Nguy cơ thuyên tắc phổi cũng tăng lên khi bệnh nhân bị béo phì.

  1. BÉO PHÌ VÀ TĂNG HUYẾT ÁP

Mối quan hệ giữa béo phì và tăng huyết áp được xác định rõ ràng. Béo phì có liên quan mật thiết đến tăng huyết áp, và tăng huyết áp hiện là yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tật và tử vong trên toàn thế giới.  Ước tính rằng béo phì chiếm 65–78% các trường hợp tăng huyết áp nguyên phát. Hơn nữa, tăng 5% cân nặng có liên quan đến tăng 20–30% tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp. Những phụ nữ béo phì có tỷ lệ tăng huyết áp gần gấp 5 lần so với những người có BMI < 23,0 kg. / m2.

Tăng cân có liên quan đến tăng nguy cơ phát triển bệnh tăng huyết áp. Mặt khác, giảm cân có thể dẫn đến giảm huyết áp đáng kể.

Béo phì là một thách thức sức khỏe cộng đồng đáng kể trên toàn thế giới và có liên quan chặt chẽ với các kết quả bất lợi về tim mạch. Việc giảm cân vừa phải, thậm chí 10% ở những người thừa cân và béo phì có thể cải thiện hoặc thậm chí ngăn ngừa các yếu tố nguy cơ liên quan đến béo phì đối với bệnh tim mạch.

Tài liệu tham khảo :

  1. Obesity and Heart Disease, Sunil Daniel, MD. org/join, Summer – 2015
  2. Obesity: Association with cardiovascular, Jose R Medina-Inojosa, MD; Carl J Lavie, MD et al. Up to date, Sep 16, 2019.
  3. Obesity and hypertension, Shu-Zhong Jiang, Wen Lu, et al, Exp Ther Med. 2016 Oct; 12(4): 2395–2399
  4. Obesity and Cardiovascular Disease: A Scientific Statement From the American Heart Association, Tiffany M. Powell-Wiley, Paul Poirier et al, Circulation, 2021;143: 984–1010

Ths. Bs Phan Thị Minh Tâm

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường

Bệnh viện Bạch Mai

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *