Bệnh đái tháo đường typ 2 (ĐTĐ) có xu hướng ngày càng gia tăng trên toàn thế giới, và biến chứng tim mạch do xơ vữa là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên đối tượng này. Theo các nghiên cứu cho thấy, tiên lượng của các bệnh nhân có bệnh mạch vành kèm ĐTĐ thường xấu hơn nhiều so với những bệnh nhân không kèm ĐTĐ. Để tránh những hậu quả nặng nề, việc điều trị sớm, tích cực, đa chuyên khoa nội tiết – tim mạch là rất cần thiết. Như vậy, người bệnh ĐTĐ typ 2 cần làm gì để phát hiện sớm và phòng ngừa các biến cố tim mạch trong tương lai?
- Các triệu chứng cần theo dõi
Triệu chứng của bệnh tim mạch do xơ vữa tuỳ thuộc vào vị trí mạch bị hẹp và cơ quan bị ảnh hưởng, nhiều khi ở người bệnh ĐTĐ, các triệu chứng sẽ không rõ ràng. Có thể người bệnh sẽ có biểu hiện đau ngực khi gắng sức, tê yếu nửa người, đau nhức chân khi đi lại, nói ngọng…..cho đến các biểu hiện nặng hơn như mất ý thức. Đối với các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng, thì hiện nay chưa có phương pháp chẩn đoán nào có lợi ích rõ ràng, chính vì vậy, người bệnh cần thăm khám định kỳ và sàng lọc các yếu tố nguy cơ như đo huyết áp, xét nghiệm mỡ máu, điện tâm đồ, đo ABI, siêu âm mạch cảnh, siêu âm tim và theo dõi chỉ số đường máu, HbA1c là rất cần thiết.
- Thay đổi lối sống
Thay đổi lối sống có thể giúp người bệnh phòng ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh tim mạch do xơ vữa.
- Bỏ thuốc lá: Hút thuốc là một trong các yếu tố nguy cơ của vữa xơ động mạch. Bỏ thuốc giúp giảm thiểu tình trạng xơ vữa của thành mạch máu.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên 30 phút/ngày giúp làm ổn định đường huyết, cải thiện huyết áp, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Nếu người bệnh không thể tập một lần thì có thể chia ra mỗi lần 10 phút.
- Duy trì cân nặng mục tiêu: Mục tiêu duy trì BMI 18 – 22 kg/m2 (cân nặng/chiều cao2). Việc giảm cân cũng giúp kiểm soát mỡ máu và huyết áp – 2 yếu tố nguy cơ chính của vữa xơ động mạch.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh: chế độ ăn nhiều rau xanh, tăng cường chất xơ, ngũ cốc nguyên cám, giảm carbonhydrate tinh chế, đường, chất béo bão hoà, giúp kiểm soát tốt cân nặng, đường máu, mỡ máu, huyết áp.
- Kiểm soát đường máu tốt
Hầu hết người bệnh cần kiểm soát tối ưu với mức HbA1c mục tiêu là ≤ 7%. Trong một số trường hợp ví dụ như bệnh nhân lớn tuổi, nhiều bệnh lý phối hợp nặng … mức HbA1c mục tiêu có thể < 8%. Đối với những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi, thời gian mắc ĐTĐ ngắn, chưa có biến chứng tim mạch, có thể kiểm soát đường huyết chặt chẽ hơn (HbA1c < 6,5%). Để đạt mục tiêu kiểm soát đường huyết, người bệnh cần tuân thủ chế độ điều trị, tái khám định kỳ để điều chỉnh thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.
- Kiểm soát huyết áp tốt
Mục tiêu huyết áp ở hầu hết bệnh nhân ĐTĐ có nguy cơ tim mạch thấp là < 140/90 mmHg. Ở các đối tượng ĐTĐ có nguy cơ tim mạch cao ví dụ đã xuất hiện bệnh tim mạch do xơ vữa thì huyết áp mục tiêu thấp hơn, < 130/80. Bên cạnh việc đo huyết áp mỗi lần tái khám, người bệnh cũng nên tự theo dõi huyết áp tại nhà sẽ giúp điều chỉnh thuốc phù hợp.
- Điều trị rối loạn mỡ máu
Người bệnh ĐTĐ typ 2 nên được làm xét nghiệm mỡ máu mỗi lần tái khám. Việc lựa chọn thuốc điều trị nào tuỳ thuộc vào mức độ rối loạn của các chỉ số mỡ máu. Theo các khuyến cáo hiện nay, ở bệnh nhân ĐTĐ, mục tiêu LDL-Cholesterol < 1,8 mmol/l; Triglyceride < 1,7 mmol/l; HDL-Cholesterol ≥ 1 mmol/l (ở nam) và ≥ 1,3 mmol/l (ở nữ). Ở các bệnh nhân ĐTĐ typ 2 kèm bệnh tim mạch do vữa xơ, việc duy trì thuốc hạ mỡ máu nhóm statin đem lại nhiều lợi ích trong phòng ngừa các biến cố tim mạch trong tương lai.
- Lợi ích của Aspirin
Đối với các bệnh nhân ĐTĐ có tiền sử biến cố tim mạch do vữa xơ, việc điều trị phối hợp aspirin (75 – 162mg/ngày) có lợi ích rất lớn trong phòng ngừa tái phát các biến cố này. Đối với các bệnh nhân ĐTĐ tiền sử khoẻ mạnh nhưng có nguy cơ cao mắc biến cố tim mạch do vữa xơ, có thể cần bổ sung aspirin liều 75 – 162mg/ngày với mục đích phòng ngừa xuất hiện các biến cố tim mạch trong tương lai, tuy nhiên cần cân nhắc vì có nguy cơ chảy máu đường tiêu hoá.
Điều trị ĐTĐ typ 2 ngày nay không chỉ dừng ở việc kiểm soát tốt đường máu, mà còn là một bệnh lý phức tạp cần được điều trị phối hợp sớm với mục tiêu bảo vệ tim mạch, và phòng ngừa các biến cố tim mạch do vữa xơ. Để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu, bên cạnh sự theo dõi và đánh giá của bác sỹ chuyên khoa Nội tiết, cần có sự hợp tác tích cực và tuân thủ tốt từ phía người bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Taras I.Griadil, Ivan V. Chopey et al (2021). Assessment of cardiovascular risk in patients with type 2 diabetes mellitus and associated obesity and ways of its correction. Wiad Lek; 74(4); 998-1002.
- American Diabetes Association (2021). Cardiovascular disease and risk management: Standards of medical care in diabetes. Diabetes Care; 44(1); S125-S150.
- American Heart Association & American Diabetes Association (2016). Preventing cardiovascular disease in adults with type 2 diabetes mellitus: An update from the AHA and ADA. American Family Physician. 93(3).
- Bruemmer, D., Nissen, S. E (2020). Prevention and management of cardiovascular disease in patients with diabetes: current challenges and opportunities. Cardiovascular Endocrinology & Metabolism; 9(3);81-89..BS Lâm Mỹ HạnhKhoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch mai
