Đái tháo đường có chữa được không?
Đái tháo đường là một căn bệnh mãn tính nên bạn không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bạn vẫn có thể sống khỏe mạnh, lạc quan cùng căn bệnh này. Cách kiểm soát glucose huyết nói riêng, và bệnh đái tháo đường nói chung, là áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường tập thể dục, nghỉ ngơi thư giãn và tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Đái tháo đường có mấy loại?
Về lý thuyết, bệnh đái tháo đường có thể chia ra thành 3 loại:
– Đái tháo đường typ 1 chiếm khoảng 10-15% số trường hợp và thường xảy ra ở trẻ em, trẻ vị thành niên. Do rối loạn từ hệ miễn dịch, cơ thể không sản sinh đủ lượng insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng cần thiết.
– Đái tháo đường typ 2 chiếm đến 90% số trường hợp, thường xảy ra ở người trưởng thành. Cơ thể bệnh nhân không sản sinh đủ lượng insulin, hoặc không thể sử dụng insulin để chuyển hóa đường thành năng lượng.
– Đái tháo đường trong thai kỳ ảnh hưởng gần 10% số trường hợp mang thai. Thông thường bệnh sẽ thuyên giảm sau khi sinh con. Tuy nhiên nếu không được điều trị phù hợp, đái tháo đường dễ tác động xấu đến cả mẹ và bé.
Triệu chứng của bệnh đái tháo đường là gì?
Cả đái tháo đường typ 1 và typ 2 đều có một số triệu chứng phổ biến như sau:
– Đi tiểu nhiều lần
– Thường xuyên thấy khát và đói dù bạn mới vừa ăn
– Mệt mỏi, kiệt quệ và mắt mờ
– Vết thương sưng tấy, lâu lành
– Sụt cân dù bạn ăn nhiều hơn (typ 1)
– Đau hoặc mất cảm giác tạm thời ở tay, chân (typ 2)
Đặc biệt, trường hợp phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thường không biểu hiện triệu chứng cụ thể, nên cần được kiểm tra định kỳ trong suốt thời gian mang thai.
Mức glucose huyết bao nhiêu là an toàn?
Mức glucose huyết (blood glucose level hoặc blood sugar level) là chỉ số dùng để biểu thị lượng đường có trong máu của bạn. Mức glucose huyết thường xuyên dao động trong ngày và được tính theo đơn vị mmol/L.
Một người được chẩn đoán glucose huyết an toàn khi đáp ứng các tiêu chí:
– glucose huyết khi mới thức dậy từ 3.8 – 5.5 mmol/L
– glucose huyết đo được trong vòng 2 tiếng sau bữa ăn là dưới 7.8 mmol/L
Đái tháo đường có nguy hiểm không?
Đái tháo đường là căn bệnh mãn tính, đang ảnh hưởng khoảng 422 triệu người trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, ước tính có 7 triệu người bị đái tháo đường, 65% trong số đó không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Về lâu về dài, đái tháo đường kéo theo nhiều biến chứng về tim mạch, đột quỵ, mù lòa, phẫu thuật chi hay thậm chí là mất mạng.