Béo phì được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là tình trạng “tích tụ chất béo bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe”, thường được phân loại theo chỉ số khối cơ thể. Đây là hệ quả của nhiều căn nguyên, liên quan đến sự đan xen phức tạp giữa chế độ dinh dưỡng; các yếu tố bên trong như: cấu trúc gen, chuyển hóa… và các yếu bên ngoài như lối sống.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, việc giảm 5 – 10% cân nặng ở người thừa cân, béo phì giúp cải thiện đáng kể các bệnh lý kèm theo liên quan đến béo phì bao gồm: phòng ngừa đái tháo đường typ 2, cải thiện rối loạn lipid máu, viêm xương khớp, trào ngược dạ dày – thực quản, tăng huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang…
Mức độ, mục tiêu giảm cân được cân nhắc theo từng cá thể bởi bác sĩ điều trị hay chuyên gia dinh dưỡng. Nhiều người bị béo phì hoặc thừa cân có mục tiêu không thực tế là giảm ngay 20% –30% trọng lượng, trong khi mục tiêu thực tế hơn sẽ là giảm 5% –15% trọng lượng cơ thể ban đầu. Các biện pháp điều trị thừa cân, béo phì gồm:
Nội dung
1. Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng như thế nào?
Cho đến nay, không có chế độ ăn uống nào được đánh giá là ưu việt hơn cả trong việc điều trị thừa cân, béo phì. Việc hạn chế năng lượng vẫn là nguyên tắc phổ biến để giảm cân, bất kể thành phần các chất dinh dưỡng đa lượng. Hiệu quả của liệu pháp này phụ thuộc vào sự tuân thủ chế độ ăn uống, đặc biệt khi chế độ ăn ảnh hưởng đến mức độ giảm cân theo thời gian.
1.1. Cân bằng năng lượng
Năng lượng: là nhiên liệu cần thiết cho quá trình sống, tăng trưởng, vận động và tiêu hóa thức ăn và nhiều hoạt động khác. Nhiên liệu đó là thức ăn dưới dạng lipid, glucid, protein
Sự cân bằng năng lượng: Cân bằng năng lượng được biểu hiện trong công thức sau:
E ăn vào = E tiêu hao + E dự trữ
– Nếu cân bằng năng lượng âm: năng lượng dự trữ trong cơ thể sẽ được sử dụng.
– Nếu cân bằng dương: tăng tích lũy năng lượng dự trữ, mà đầu tiên là tăng khối mỡ
Năng lượng tiêu hao: Là tổng của tất cả các quá trình đòi hỏi năng lượng trong cơ thể con người. Năng lượng tiêu hao bao gồm một số thành phần khác nhau trong các trường hợp khác nhau. Tổng năng lượng tiêu hao bao gồm một số thành phần
– E tiêu hao cho chuyển hóa cơ bản.
– E tiêu hao cho hoạt động thể lực.
– E tiêu hao cho việc đáp ứng với các tác nhân bên ngoài (như: thực phẩm, lạnh, stress, và thuốc)
– E cho sinh sản, phát triển, hồi phục.
Năng lượng ăn vào: Là tổng năng lượng từ thức ăn được ăn vào trong ngày được cung cấp bởi các chất dinh dưỡng như Protein, Lipid, Glucid…
Ở người trưởng thành (không trong quá trình phát triển) cân nặng hầu như được duy trì ổn định do năng lượng tiêu hao và năng lượng tiêu thụ cân bằng.
a. Cân bằng năng lượng dương sẽ dẫn đến
– Tổng hợp glycogen
– Tạo mô mỡ – chất béo cũng được lưu trữ một phần trong các mô không phải mỡ như cơ và gan;
– Lưu trữ protein. Tăng protein luôn gắn liền với tăng trưởng, chữa bệnh hoặc tăng cơ.
Do đó, hoạt động thể chất là điều kiện cần thiết để tổng hợp protein trong cơ xương ởbệnh nhân trưởng thành.
b. Cân bằng năng lượng âm có liên quan đến:
– Sự phá vỡ và oxy hóa các kho dự trữ glycogen – các kho dự trữ glycogen trong cơ thể cạn kiệt trong 24h;
– Sự phân giải lipid, giải phóng và oxy hóa các axit béo; Sự phân hủy và oxy hóa protein một mức độ phân hủy protein là không thể tránh khỏi với quá trình viêm
1.2. Chế độ dinh dưỡng hạn chế năng lượng
Một cách tiếp cận khác trong chế độ dinh dưỡng để đạt mức cân bằng năng lượng âm là hạn chế trực tiếp lượng năng lượng trong khẩu phần. Chế độ ăn ít năng lượng (LCD – Low calo diet) và rất ít năng lượng (VLCD – Very low calo diet) giới hạn năng lượng trong khẩu phần lần lượt là 800 – 1600 kcal/ngày và 200 – 800 kcal/ngày. VLCD giúp giảm cân nhanh chóng, vượt trội hơn so với LCD (-16,1 kg so với -9,7 kg, tương ứng). Giảm cân do VLCD đạt được chủ yếu thông qua giảm tổng lượng mỡ trong cơ thể (giảm 7,8% tổng lượng mỡ cơ thể trong 6 tháng). Tuy nhiên, lợi ích lâu dài của VLCD ít rõ rệt hơn do sự tăng cân trở lại cao 61% so với 41% của LCD. Có rất nhiều lý do dẫn đến tình trạng tăng cân trở lại với chế độ ăn ít calo, từ sự thích nghi trao đổi chất cho đến thực tiễn của việc kiểm soát năng lượng và kết quả là mất tuân thủ chế độ ăn kiêng
Giảm năng lượng nạp vào từ 500 đến 600 kcal/ngày sẽ cho phép giảm cân ở mức khoảng 0,5 kg/tuần trong khoảng thời gian từ 12 đến tối đa là 24 tuần.
1.3. Thay thế bữa ăn
Thay thế bữa ăn toàn bộ hoặc một phần, liên quan đến các chất thay thế đầy đủ dinh dưỡng nhưng ít calo cho các bữa ăn hàng ngày, cung cấp một phương pháp dễ dàng và thuận tiện để hạn chế lượng năng lượng.
1.4. Phong cách ăn kiêng
Ví dụ: Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải với nguyên tắc cốt lõi bao gồm ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, ăn vừa phải chất béo (hầu hết là từ chất béo không bão hòa đơn và sữa (chủ yếu từ pho mát), và giảm lượng thịt (ưu tiên cá và gia cầm thịt đỏ). Điều này có thể dẫn đến giảm cân đáng kể (giảm -4,1 kg đến -10,1 kg cân nặng sau 12 tháng) cũng như tác động có lợi đối với nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch, nhưng nó ít hạn chế hơn so với các chế độ ăn kiêng khác.
Để điều trị béo phì, các hướng dẫn hiện hành của Viện Y tế và Chăm sóc Quốc gia (NICE) khuyến nghị:
– Nên áp dụng phương pháp ăn kiêng với năng lượng tiêu thụ thấp hơn mức tiêu thụ.
– Mức độ giảm 600 kcal/ngày (thông qua chế độ ăn ít năng lượng hoặc chế độ ăn ít chất béo) được khuyến nghị để giảm cân bền vững, cùng với sự hỗ trợ của chuyên gia và theo dõi chuyên sâu.
– Cân nhắc sử dụng chế độ ăn ít năng lượng 800–1600 kcal/ngày nhưng đảm bảo đầy đủ về mặt dinh dưỡng.
– Chế độ ăn 200–800 kcal/ngày không được khuyến khích trừ khi có nhu cầu giảm cân nhanh trên lâm sàng.
2. Điều chỉnh lối sống và luyện tập
Kết quả của nhiều nghiên cứu tổng hợp cho thấy, những lối sống không lành mạnh có thể ảnh hưởng đến tình trạng thừa cân, béo phì bao gồm: ít vận động thể lực, xem tivi, máy tính nhiều, không tập thể dục, thể thao; chế độ ăn nhiều thức ăn nhanh, ít chất xơ.
Để có những lợi ích đáng kể về sức khỏe, người trưởng thành nên tham gia ít nhất 150 đến 300 phút/tuần với cường độ trung bình hoặc 75 đến 150 phút/tuần hoạt động thể chất hiếu khí cường độ mạnh, tương đương với mức tiêu hao năng lượng từ 1200 đến 1800 kcal/tuần. Hoạt động thể chất nên được khuyến khích từ thời thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Chỉ tập luyện sức bền có vẻ không hiệu quả đáng kể để giảm cân. Khi sử dụng các nhóm cơ lớn, cường độ từ trung bình đến cao, thời gian luyện tập dài sẽ có tác dụng. Các nghiên cứu cho thấy trọng lượng giảm khoảng 2 kg và giảm khoảng 6% mỡ vùng bụng trong 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, cần chú ý tới chống chỉ định của một số bài tập với người bệnh có BMI từ 35 kg/m2 trở lên. Hoạt động thể lực giúp làm giảm nguy cơ các bệnh lý chuyển hóa liên quan đến thừa cân, béo phì ngay cả khi cân nặng người bệnh không giảm.
Ví dụ về mức tiêu hao năng lượng thông qua các hoạt động thể lực, đơn vị: kcal/phút cho cá thể có cân nặng 60 kg và 80 kg.
Cân nặng | 60 kg | 80 kg | |
Bóng rổ (luyện tập) | 8.1 | 11.0 | |
Bóng đá | 8.1 | 10.9 | |
Golf | 5.0 | 6.8 | |
Tennis | 6.4 | 8.7 | |
Tập thể hình /Weight training | 5.0 | 6.8 | |
Chạy | 300 m/phút | 17.1 | 23.1 |
200 m/phút | 12.5 | 16.5 | |
140 m/phút | 8.0 | 10.9 | |
Đạp xe | Đua xe | 10 | 13.5 |
15 km/giờ | 5.9 | 8 | |
9 km/giờ | 3.8 | 5.1 |
Các chiến lược hành vi (còn gọi là thay đổi lối sống) hiệu quả bao gồm sự kết hợp của tư vấn trực tiếp tạo động lực và liệu pháp hành vi nhận thức. Ở trẻ em và thanh thiếu niên tránh đề cập trực tiếp về ăn kiêng hoặc các hành vi hạn chế có ý thức khác vì những điều này có thể dẫn đến những căng thẳng tiêu cực gây tăng cân thêm và ăn uống vô độ. Thay vì cân nặng, các cuộc thảo luận với trẻ em và thanh thiếu niên nên tập trung vào việc hình thành và duy trì một lối sống lành mạnh.
3. Hiệu quả của việc phối hợp dinh dưỡng luyện tập + dùng thuốc đúng chỉ định
Các biện pháp can thiệp lối sống chỉ bao gồm hạn chế năng lượng và/hoặc kiểm soát khẩu phần là không đủ để duy trì giảm cân lâu dài ở hầu hết bệnh nhân béo phì, với 1/3 đến 2/3 số cân đã giảm có thể tăng trở lại trong vòng một năm sau khi kết thúc điều trị, và > 95% cân nặng tăng trở lại trong vòng 5 năm. Đối với bệnh nhân đã thất bại trong việc đạt được giảm cân về mặt lâm sàng, được định nghĩa là ≥ 5% trọng lượng cơ thể sau 6 tháng can thiệp lối sống.
Liệu pháp điều trị bệnh béo phì đã phát triển đáng kể trong 60 năm qua. Ngày nay, sáu loại thuốc chống béo phì (AOM) đã được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Liên bang Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị lâu dài bệnh béo phì. Tương tự như cách tiếp cận đối với các bệnh mãn tính khác, AOM được chỉ định kết hợp với điều chỉnh lối sống để kiểm soát tình trạng thừa cân và béo phì. Các hướng dẫn hiện hành khuyến nghị rằng những người sau khi đã can thiệp dinh dưỡng và lối sống tiếp tục có chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 kg/m2 hoặc ≥ 27 kg/m2 với một bệnh đi kèm liên quan đến béo phì có đủ điều kiện để chỉ định điều trị bằng
thuốc giảm cân. Điều trị bằng thuốc chỉ nên được thực hiện kết hợp cùng với một liệu trình giảm cân cơ bản (chế độ ăn uống, tập thể dục, liệu pháp hành vi).
NICE cũng đưa ra khuyến nghị điều trị bằng thuốc để duy trì giảm cân bên cạnh chế độ ăn kiêng giảm calo và tập thể dục thể chất. Nên ngừng điều trị sau 3 tháng nếu giảm được ít hơn 5% trọng lượng trong khi dùng thuốc.
Khi sử dụng liệu pháp dược phẩm để quản lý cân nặng, phải ghi nhớ các nguyên tắc cơ bản sau:
3.1. Điều trị suốt đời
Bởi vì béo phì là một bệnh mãn tính, liệu pháp dược lý phải được kê đơn với mục đích sử dụng suốt đời và là một phần của kế hoạch quản lý toàn diện bao gồm tư vấn về dinh dưỡng, hoạt động thể chất và hành vi. Việc ngừng sử dụng AOM thường dẫn đến tăng cân.
3.2. AOM tác động đến các con đường sinh lý bệnh dẫn đến béo phì
Liệu pháp điều trị béo phì hiện tại nhắm vào các rối loạn điều hòa thần kinh cơ bản gây tăng cân và ngăn cản giảm cân bền vững. Những thay đổi trong nội tiết tố để phản ứng với việc giảm cân do chế độ ăn uống, chẳng hạn như giảm hormone leptin gây biếng ăn và tăng hormone gây độc tố ghrelin, tạo ra một môi trường sinh lý có lợi cho cơ thể trở lại điểm đặt trọng lượng cơ thể cao hơn đã được thiết lập trước đó. Các phản ứng thích ứng bổ sung để giảm cân do chế độ ăn uống ảnh hưởng đến tiêu hao năng lượng, bao gồm giảm tỷ lệ trao đổi chất cơ bản, cũng thách thức việc duy trì giảm cân.
3.3. Các phương pháp điều trị có lợi cho cả cân nặng và các bệnh đi kèm
Mục tiêu của điều trị béo phì là phòng ngừa sơ cấp, thứ cấp và thứ ba; nghĩa là, để ngăn ngừa sự phát triển hoặc trầm trọng thêm của bệnh béo phì và các biến chứng của nó. Ví dụ, những cải thiện về các yếu tố nguy cơ chuyển hóa tim và giảm nguy cơ tiểu đường đã được báo cáo một cách nhất quán trong các nghiên cứu đối với AOM.
3.4. Hiệu quả đáp ứng điều trị giảm cân khác nhau:
Các nghiên cứu đã chứng minh một cách nhất quán rằng AOMs đạt được hiệu quả giảm cân lớn hơn đáng kể so với giả dược khi kết hợp với điều chỉnh lối sống. Tuy nhiên, như với bất kỳ liệu pháp y tế nào, có sự khác nhau về đáp ứng giữa các cá thể đã được báo cáo, bao gồm: khả năng không giảm cân (những người không đáp ứng) đến giảm 20% cân nặng hoặc nhiều hơn.
4. Can thiệp ngoại khoa
Việc phối hợp các thuốc điều trị béo phì trên các bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật béo phì cũng mang lại nhiều lợi ích tích cực: tăng hiệu quả giảm cân, rút ngắn thời gian nằm viện sau phẫu thuật.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Lifestyle Behaviors in Metabolically Healthy and Unhealthy Overweight and Obese Women: A Preliminary Study (2015). Sarah M Camhi et al. PLoS One. Sep 18;10(9):e0138548. Doi: 10.1371/journal.pone.0138548.
- Current treatments for obesity (2019). Aruchuna R et al. Clin Med (Lond). 2019 May; 19(3): 205–212. doi: 10.7861/clinmedicine.19-3-205
- The Prevention and Treatment of Obesity (2014). Alfred W et al. Dtsch Arztebl Int. 2014 Oct; 111(42): 705–713. Published online 2014 Oct 17. doi: 10.3238/arztebl.2014.0705
BS. Trần Thị Thắm
Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng
Bệnh viện Bạch Mai

BS. Trần Thị Thắm – Trung Tâm Dinh Dưỡng
Bệnh viện Bạch Mai