Cập nhật điều trị béo phì Châu Á và trên thế giới

  1. Tình hình/dịch tễ béo phì trên thế giới và ở Việt Nam

Tỷ lệ béo phì trên toàn thế giới đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 1975. Vào năm 2016, hơn 1,9 tỷ người trưởng thành, từ 18 tuổi trở lên, bị thừa cân. Trong số này có hơn 650 triệu người béo phì. (39% người lớn từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân vào năm 2016 và 13% bị béo phì). Phần lớn dân số thế giới sống ở các quốc gia nơi thừa cân và béo phì chết nhiều người hơn thiếu cân.

Một số quốc gia châu Á , Đông Nam Á trong đó có VN  đang trong tình trạng chuyển đổi dinh dưỡng do sự phát triển kinh tế hưng thịnh, đô thị hóa dẫn đến thay đổi lối sống. Chế độ ăn uống không lành mạnh và thiếu hoạt động thể chất là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng béo phì. Trong khi Đông Nam Á có tỷ lệ thừa cân và béo phì thấp nhất trên toàn cầu, thì các quốc gia này đang có xu hướng gia tăng đáng báo động trong 10-15 năm qua. Ước tính có khoảng 6,6 triệu trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và 1/5 người lớn hiện đang bị thừa cân. Nghịch lý ngày càng gia tăng của tình trạng thiếu dinh dưỡng và béo phì trong cùng lúc.

   2.  Điều trị thừa cân, béo phì

Tình trạng  thừa cân hoặc béo phì gây ra do sự gia tăng kích thước và số lượng tế bào mỡ trong cơ thể và là những thách thức đối với sức khỏe toàn cầu  đặc biệt ở các nước phát triển. Béo phì là một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng có thể gây ra các biến chứng như hội chứng chuyển hóa, huyết áp cao, xơ vữa động mạch, bệnh tim, tiểu đường, cholesterol trong máu cao, ung thư và rối loạn giấc ngủ… Điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh và có biến chứng hay không. Béo phì là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong có thể phòng ngừa được.Các phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống, như chế độ ăn và tăng cường hoạt động thể chất cũng như các loại thuốc giảm cân được phê duyệt. Đối với một số người, phẫu thuật có thể là một phương pháp điều trị được lựa chọn.

2.1. Đánh giá mức độ béo phì trước khi điều trị là cần thiết:  Phương pháp đo béo phì phổ biến nhất được sử dụng là Chỉ số khối cơ thể, hoặc BMI, chia trọng lượng của một người (tính bằng kg) cho chiều cao  (tính bằng mét) bình phương. Về mặt y học, điểm BMI được chia nhỏ như  bảng 1.

Bảng 1. Bảng phân độ béo phì

Phân độ của WHO Điểm cắt BMI cho mỗi định nghĩa (kg/m2) Nguy cơ tim mạch Điểm cắt BMI ở người châu Á để can thiệp (kg/m2)
Nhẹ cân <18.5 <18.5
Bình thường 18.5–24.9 Thấp 18.5–22.9
Thừa cân 25.0–29.9 Trung bình ≥23.0
Béo phì độ I 30.0–34.9 Cao 27.5–32.4
Béo phì độ II 35.0–39.9 Rất cao 32.5–37.4
Béo phì độ III ≥40.0 Rất cao ≥37.5

Lượng mỡ bụng có thể được đánh giá bằng chu vi vòng eo . Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) gần đây nhất đã xác định béo phì trung tâm  là  vòng eo ≥94 cm ở nam giới và ≥80 cm ở phụ nữ không mang thai. .Theo hội béo phì Hàn quốc , béo bụng được định nghĩa là khi vòng eo ≥90 cm ở nam và ≥85 cm ở nữ.

2.2. Quản lý điều trị béo phì:

Các mục tiêu là giảm cân và duy trì,  ngăn ngừa tăng cân trở lại .Quản lý cân nặng sẽ cần được tiếp tục suốt đời.

2.2.1. Dinh dưỡng và Ăn kiêng

Chế độ ăn uống nên khuyến khích việc ăn uống lành mạnh và nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường tiêu thụ rau, đậu, các loại đậu, đậu lăng, ngũ cốc, ngũ cốc không đường và chất xơ, đồng thời thay thế các sản phẩm từ sữa ít béo và thịt để thay thế các loại thực phẩm giàu chất béo, tăng cường ăn hải sản. Khuyến cáo nên tránh thực phẩm có chứa thêm đường và chất béo, cũng như tiêu thụ đồ uống có đường và đồ uống có cồn. Một chế độ ăn uống thích hợp có thể đạt được theo một số cách:

  • Giảm mức độ năng lượng của thực phẩm và đồ uống
  • Giảm khối lượng khẩu phần thức ăn
  • Tránh ăn vặt giữa các bữa ăn
  • Không bỏ bữa sáng và tránh ăn đêm.
  • Quản lý và giảm các cơn mất kiểm soát hoặc ăn uống vô độ.

Việc hạn chế năng lượng (calorie) nên được cá thể hóa và tính đến thói quen dinh dưỡng, hoạt động thể chất, các bệnh đồng mắc và những nỗ lực ăn kiêng trước đó. Việc kê đơn một chế độ ăn hạn chế năng lượng có thể cần sự can thiệp của chuyên gia dinh dưỡng.

Để giảm cân, cần giảm năng lượng nạp vào cơ thể. Chế độ ăn ít calo giúp giảm năng lượng nạp vào 500–1.000 kcal, dự kiến ​​sẽ có tác dụng giảm cân 0,5–1,0 kg mỗi tuần.  Một chế độ ăn ít calo giúp giảm năng lượng nạp vào 500–1.000 kcal mỗi ngày có thể mang lại hiệu quả giảm cân mà không ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.

2.2.2. Vận động tập luyện:Tập thể dục và hoạt động thể chất là những yếu tố quan trọng trong các biện pháp can thiệp lối sống để giảm cân. Hiệu quả giảm cân của tập thể dục hiếm khi vượt quá 5%, nhưng tập thể dục và hoạt động thể chất làm giảm nguy cơ liên quan đến các yếu tố chuyển hóa khác như trọng lượng, tỷ lệ mỡ cơ thể và mỡ nội tạng, đồng thời cải thiện khối lượng cơ và khả năng hoạt động.

 2.2.3. Liệu pháp hành vi:

Những người béo phì nên trải qua liệu pháp hành vi, cùng với liệu pháp dinh dưỡng và tăng cường hoạt động thể chất. Các phương pháp cụ thể được sử dụng trong liệu pháp hành vi bao gồm tự giám sát, củng cố, kiểm soát kích thích, hành vi thay thế và tái tạo nhận thức. Những người béo phì bị rối loạn ăn uống được hưởng lợi từ các liệu pháp tâm lý như tự giúp đỡ có hướng dẫn hoặc liệu pháp hành vi nhận thức tập trung vào chứng rối loạn ăn uống.  Khi điều trị béo phì, giảm hút thuốc và uống rượu có ý nghĩa quan trọng đối với việc phòng ngừa và kiểm soát bệnh béo phì và hội chứng chuyển hóa.

2.2.4. Điều trị bằng thuốc :

Tính đến năm 2020, bốn loại thuốc điều trị béo phì đã được chấp thuận sử dụng lâu dài: orlistat, naltrexone-bupropion, liraglutide và phentermine-topiramate.  Những loại thuốc này đã được phê duyệt để sử dụng trong điều trị béo phì dựa trên kết quả của các nghiên cứu lâm sàng về việc sử dụng lâu dài. Lorcaserin đã được sử dụng để điều trị bệnh béo phì từ tháng 2 năm 2015 đến tháng 2 năm 2020, nhưng do nguy cơ ung thư gia tăng đã  bị rút khỏi thị trường ở Hoa Kỳ. Các loại thuốc này giúp giảm cân đáng kể khi được sử dụng cùng với việc điều chỉnh lối sống, giúp cải thiện và ngăn ngừa các biến chứng khác nhau. Thuốc chống béo phì phải được kê đơn theo đặc điểm của từng cá thể bệnh nhân, và sự hiện diện của các bệnh đi kèm.

Các hướng dẫn điều trị thường khuyến cáo bệnh nhân sử dụng thuốc khi bệnh nhân có BMI ≥27 kg/m2 kèm biến chứng hoặc BMI ≥30 kg/m2.

2.2.5. Phẫu thuật:

Theo Liên đoàn Quốc tế về Phẫu thuật Béo phì và Rối loạn Chuyển hóa, Tuyên bố đồng thuận của Châu Á Thái Bình Dương năm 2011 (tuyên bố đồng thuận của IFSO-APC),  chỉ định của phẫu thuật béo phì là không giảm được cân khi điều trị không phẫu thuật ở những bệnh nhân có BMI ≥35 kg / m 2 hoặc BMI ≥30 kg / m 2 và các bệnh đi kèm liên quan đến béo phì,.Các loại phẫu thuật có thể được chia  thành phẫu thuật hạn chế, phẫu thuật kém hấp thu và phẫu thuật kết hợp. Các phẫu thuật bao gồm:

Cắt tạo hình dạ dày hình ống (Gastric Sleeve): cắt bỏ khoảng 80% dạ dày và tạo ra một dạ dày hình ống. Sau khi thực hiện, người bệnh sẽ cảm giác ít đói hơn và nhanh no hơn sau khi ăn.

Thắt đai dạ dày (Lap Band): quanh phần trên của dạ dày, tạo thành một túi nhỏ phía trên đai, nhờ đó dạ dày sẽ được làm đầy nhanh hơn khi ăn, khiến bệnh nhân có cảm giác nhanh no hơn.

Phẫu thuật chuyển dòng mật tụy (Duodenal Switch):  cắt bỏ một phần lớn thể tích dạ dày (như phẫu thuật tạo dạ dày hình ống), chuyển dòng ruột, cắt bỏ túi mật.

Phẫu thuật Nối tắt dạ dày (Gastric Bypass):  tạo một túi dạ dày nhỏ hơn và nối nó với ruột non giúp người bệnh mau no hơn và giảm hấp thu dẫn đến hạn chế và ức chế hấp thu .

Mỗi phương pháp phẫu thuật có ưu điểm và nhược điểm, điều quan trọng là để chọn một phương pháp phẫu thuật phù hợp theo tình hình của từng bệnh nhân. .

Phẫu thuật giảm cân còn gây ra hiệu ứng tăng tiết Incretin, đặc biệt là GLP-1 do  sự vận chuyển nhanh chóng của thức ăn từ túi dạ dày đến đoạn xa hồi tràng. GLP-1 có các tác dụng sinh lý quan trọng bao gồm làm cải thiện tốc độ bài tiết insulin và độ nhạy của tế bào β sau khi ăn, ức chế glucagon, ức chế sự thèm ăn làm giảm trọng lượng cơ thể và bảo vệ tim mạch.

Hầu hết các hướng dẫn đồng thuận của  Châu Á và trên thế giới  khuyến cáo điều trị bệnh nhân thừa cân/béo phì theo hướng dẫn  (Hình 1)

Hình 1:

Khuyến cáo thực hành lâm sàng xử trí béo phì ở các nước châu Á như Hàn quốc, Nhật bản, các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất cũng xem xét một số hướng dẫn thế giới về béo phì và xem như tài liệu nền để xác định những khuyến cáo phù hợp: như AACE/ACE, ACC/AHA/TOS… bao gồm:

  • Chương trình quản lý lối sống, bao gồm chế độ ăn, thể dục và liệu pháp hành vi
  • Dùng thuốc cho bệnh nhân béo phì hoặc BMI ≥27 kg/m2 kèm biến chứng, khi thất bại với chế độ ăn và thể dục và nên tiếp tục duy trì với chế độ ăn và hoạt động thể lực để giảm và duy trì cân nặng hiệu quả
  • Phẫu thuật giảm cân cho bệnh nhân có BMI ≥40 kg/m2 hay BMI ≥35 kg/m2 với biến chứng, thất bại với các phương pháp khác

Bảng 2: Tóm tắt các khuyến cáo của các hiệp hội các nước châu Á và trên thế giới

Đo lường béo phì Ăn uống/lối sống Thuốc Phẫu thuật
AACE/ACE 2016 BMI + VE ≥25 ≥27 hoặc ≥27 + BC ≥35 + BC
Canadian Task Force 2015 BMI ≥25 không khuyến cáo NS
EASO 2015 BMI + BC + VE ≥20.5 ≥30 hoặc ≥27 + BC ≥40 hoặc ≥35 + BC
NICE 2014 BMI + VE cho ≥35 >25 ≥30 hoặc ≥28 + BC ≥40 hoặc ≥35 + BC
ENDO/ESE/TOS 2015 BMI + BC ≥25 ≥30 hoặc ≥27 + BC ≥40 hoặc ≥35 + BC
AHA/ACC/TOS 2013 BMI + VE cho NCTM >25 + NCTM hay BC ≥30 hoặc ≥27 + BC ≥40 hoặc ≥35 + BC
ADA 2018* BMI ≥25 ≥27 >35
IDF 2011* BMI NS ≥27+ ĐTĐ2 ≥35 hoặc ≥30 + BC
AACE/TOS/ASMBS 2013* BMI NS NS ≥40 hoặc ≥35 + BC hay ≥30 + ĐTĐ2/ HCCH
(KSSO)  2020  BMI + VE ≥25 ≥25 thất bại với chế độ ăn và thể dục ≥35 hoặc ≥30 + BC
JASSO 2016 BMI + VE ≥25 ≥35 + BC hoặc ≥25 + 2 BC ≥40 hoặc ≥35 + BC
UEA 2018 BMI + VE ≥25 ≥30 hoặc ≥27 + BC ≥40 hoặc ≥35+ BC

Chú thích:

*Chỉ liên quan ĐTĐ2. AACE, Hiệp hội các nhà nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ; ACC, Trường môn Tim mạch Hoa Kỳ; ACE, Trường môn Nội tiết Hoa Kỳ; ADA, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ; AHA, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ; ASMBS, Hiệp hội phẫu thuật chuyển hóa & bệnh lý Hoa Kỳ; BC, biến chứng; ĐTĐ2, tiểu đường loại 2; EASO, hiệp hội châu Âu về nghiên cứu bệnh béo phì; ENDO, Hội Nội tiết; ESE, Hiệp hội Nội tiết Châu Âu; HCCH, hội chứng chuyển đổi; IDF, Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế; JASSO, Hiệp hội Nghiên cứu Béo phì Nhật Bản . KSSO Hiệp hội Nghiên cứu Béo phì Hàn Quốc . MS, hội chứng chuyển hóa; NCTM, nguy cơ tim mạch; NICE, National Institute for Health and Care Excellence; NS không rõ; TM, tim mạch; TOS, Hiệp hội Béo phì; UEA Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. VE, vòng eo.

Tài liệu tham khảo :

  1. Diabetes Care 2021, Jan; 44(Supplement 1): S100-S110 . ADA. Diabetes Care 2018;41(Suppl. 1):S65–72
  2. AACE/ACE Guidelines: Endocr Pract 2016;22:1-203
  3. Canadian Task Force on Preventive Health Care, CMAJ, February 17, 2015, 187(3)
  4. Clinical Practice Recommendations for the Management of Obesity in the United Arab Emirates, Obes Facts 2018;11:413–428
  5. European Guidelines for Obesity Management in Adults, Obes Facts 2015;8:402–424
  6. 2020 Korean Society for the Study of Obesity Guidelines for the Management of Obesity in Korea. J Obes Metab Syndr.2021 Jun 30; 30(2): 81–92
  7. World Health Organisation. Obesity fact files. (Accessed 9 June 2021)
  8. B Laferrère, Bariatric surgery and obesity: influence on the incretins Int J Obes Suppl.2016 Dec; 6(Suppl 1): S32–S36.

Ths.BS Hà Lương Yên

Khoa Nội tiết – Đái tháo đường

Bệnh viện Bạch Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *