I. Tổng quan
Theo tiêu chuẩn của tổ chức y tế thế giới (WHO), thừa cân được định nghĩa là chỉ số BMI từ 25 đến 29,9 kg/m 2. Béo phì được định nghĩa là chỉ số BMI ≥ 30 kg/m 2.
Một số thuốc được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị thừa cân hoặc béo phì. Các loại thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất và điều chỉnh hành vi.
Quyết định bắt đầu điều trị bằng thuốc ở những người thừa cân nên được đưa ra sau khi cân nhắc lợi ích và các nguy cơ.
II. Các phương pháp điều trị béo phì
- Mục tiêu điều trị
– Ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến thừa cân, béo phì
– Đảo ngược các biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân thừa cân, béo phì.
- Đánh giá nguy cơ của bệnh nhân trước điều trị
Đánh giá tình trạng nguy cơ tổng thể của một cá nhân bao gồm xác định mức độ thừa cân (BMI), béo bụng (vòng eo) và các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu) hoặc các bệnh đi kèm khác (hội chứng ngừng thở khi ngủ, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu,…).
– Nhóm ít hoặc không có nguy cơ: Bệnh nhân có chỉ số BMI từ 20-25 kg/m 2 không hoặc ít có liên quan đến tăng nguy cơ trừ trường hợp chỉ số vòng eo lớn hoặc đã tăng hơn 10 kg kể từ năm 18 tuổi.
– Nguy cơ thấp: Những bệnh nhân có chỉ số BMI từ 25 – 29,9 kg / m 2 , không có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc các bệnh đi kèm khác liên quan đến cân nặng. Bệnh nhân nên được tư vấn về cách phòng ngừa tăng cân, thói quen ăn uống và hoạt động thể chất.
– Nguy cơ trung bình: Bao gồm những bệnh nhân có chỉ số BMI từ 25 – 29,9 kg/m 2 và có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch (đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu) hoặc có BMI từ 30 – 34,9 kg/m 2. Những bệnh nhân như vậy nên được đề nghị hoặc chuyển đến can thiệp hành vi chuyên sâu, đa phương pháp. Thuốc điều trị béo phì cũng nên được xem xét.
– Nguy cơ cao: Bao gồm những bệnh nhân có BMI từ 35 – 40 kg/m 2 có nguy cơ cao, đặc biệt là những người từ 20 – 39 tuổi và những bệnh nhân có BMI trên 40 kg/m 2. Các bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao nên được điều trị tích cực bao gồm can thiệp hành vi chuyên sâu, đa phương pháp, liệu pháp dược lý, phẫu thuật giảm cân.
- Điều trị béo phì
3.1. Can thiệp lối sống toàn diện
– Chỉ định: Tất cả các bệnh nhân thừa cân và béo phì đều được tư vấn can thiệp toàn diện lối sống để hướng tới mục đích giảm cân nặng: kết hợp giữa chế độ ăn uống, tập thể dục và thay đổi hành vi.
– Can thiệp lối sống toàn diện vao gồm:
+ Liệu pháp ăn kiêng: Chế độ ăn bao gồm có lượng calo thấp, ít chất béo/ít calo, chất béo vừa phải/ít calo hoặc ít carbohydrate giúp làm giảm cân nặng. Tuân thủ chế độ ăn uống là một yếu tố quan trọng của việc giảm cân, bất kể loại chế độ ăn được chọn là gì. Hầu hết người lớn sẽ giảm cân khi chế độ ăn <1000 kcal / ngày.
+ Tập thể dục: tăng tiêu hao năng lượng thông qua hoạt động thể chất là một yếu tố dự báo cho việc duy trì giảm cân. Hoạt động thể chất có thể làm giảm sự mất khối lượng cơ trong quá trình giảm cân tích cực và nên được thực hiện khoảng 30 phút hoặc hơn, 5-7 ngày/tuần, để ngăn ngừa tăng cân và cải thiện sức khỏe tim mạch.
+ Điều chỉnh hành vi: Đây là một trong những nền tảng trong điều trị béo phì. Mục tiêu là giúp bệnh nhân thực hiện những thay đổi lâu dài trong hành vi ăn uống của họ bằng cách điều chỉnh và theo dõi lượng thức ăn, điều chỉnh hoạt động thể chất và kiểm soát các kích thích trong quá trình ăn uống.
– Hiệu quả:
+ Chương trình can thiệp toàn diện về lối sống thành công là Chương trình Phòng chống Đái tháo đường (DPP). Hai mục tiêu chính của can thiệp lối sống trong nghiên cứu DPP là giảm tối thiểu 7% cân nặng thông qua chế độ ăn ít chất béo, giảm calo và tối thiểu 150 phút tập thể dục mỗi tuần. Kết quả nghiên cứu cho thấy can thiệp lối sống có hiệu quả hơn ( giảm 58% nguy cơ) trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường so với can thiệp bằng thuốc (metformin) giúp giảm 31% nguy cơ trong vòng 3,1 năm.
– Hạn chế: Tăng cân trở lại là vấn đề thường xuyên phải đối mặt của bệnh nhân béo phì. Điều này có thể do cơ thể dường như có một “điểm giới hạn” của khối lượng mô mỡ, và sau khi giảm cân, các hormone điều hòa được tiết ra để thiết lập lại trọng lượng cơ thể.
3.2. Điều trị bằng thuốc
– Điều trị bằng thuốc được coi là phương pháp hữu ích trong phác đồ điều trị cho những người bị béo phì.
– Liệu pháp đơn trị liệu bằng một thuốc được ưu tiên sử dụng hơn liệu pháp đa trị liệu phối hợp nhiều thuốc. Ngoài ra, việc lựa chọn thuốc chống béo phì phụ thuộc vào bệnh đi kèm của bệnh nhân nhưng cũng phải tính đến sở thích của bệnh nhân, tác dụng phụ của thuốc, bảo hiểm và chi phí.
– Đối với hầu hết bệnh nhân, chất chủ vận peptide 1 (GLP-1) giống glucagon (VD: liraglutide, semaglutide) được ưu tiên sử dụng thuốc đầu tiên. Hiện tại liraglutide đã được phê duyệt bởi FDA và Bộ y tế Việt Nam để điều trị béo phì, semaglutide đã được phê duyệt bởi FDA nhưng chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Nếu không đáp ứng đầy đủ với liraglutide, semaglutide hoặc bệnh nhân không được dung nạp thuốc thì việc điều trị bằng một loại thuốc khác được xem xét, có thể chuyển sang orlistat. Phentermine cũng là một nhóm thuốc điều trị béo phì.
3.3. Phẫu thuật
– Chỉ định :
+ Thanh thiếu niên và người lớn có BMI ≥ 40 kg /m2
+ BMI từ 35 – 39,9 kg/ m2 với ít nhất một bệnh đi kèm nghiêm trọng, những người không đạt được mục tiêu giảm cân bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thuốc liệu pháp.
– Các phương pháp phẫu thuật:
+ Phẫu thuật dạ dày Roux-en-Y
+ Phẫu thuật tạo hình dạ dày hình ống tay áo
+ Bóng dạ dày
– Hiệu quả: Các phương pháp thay đổi toàn diện lối sống, hành vi và can thiệp thuốc giảm cân có thể không hiệu quả đối với nhiều người béo phì. Đối với những bệnh nhân như vậy, phương pháp tốt nhất để đạt được và duy trì giảm cân đáng kể, và để điều trị các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, tăng lipid máu, ngưng thở khi ngủ và đái tháo đường týp 2 là phẫu thuật béo phì.
– Nguy cơ phẫu thuật:
+ Chảy máu, nhiễm trùng bên trong bụng hoặc vết thương do phẫu thuật
+ Rò rỉ từ các vết mổ trên dạ dày hoặc ruột, tắc ruột, sỏi mật, tiêu chảy nặng
+ Nguy cơ tái phẫu thuật
- Các phương pháp điều trị không khuyến cáo
– Hút mỡ : Hút mỡ có thể làm giảm đáng kể khối lượng chất béo và trọng lượng, nhưng không cải thiện độ nhạy insulin và các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch vành.
– Thực phẩm chức năng: không nên sử dụng chúng vì bằng chứng chứng minh tính hiệu quả và an toàn của chúng còn hạn chế.
– Châm cứu: Châm cứu cũng đã được nghiên cứu để điều trị bệnh béo phì. Tuy nhiên, các thử nghiệm có đối chứng cho thấy lợi ích khiêm tốn của châm cứu trong việc giảm cân.
III. Các nhóm thuốc điều trị béo phì
- Đối tượng bệnh nhân cần điều trị thuốc
– Bệnh nhân có BMI > 30 kg/m 2
– Bệnh nhân có BMI từ 27 – 29,9 kg/m 2 mà không đạt được mục tiêu giảm cân (giảm ít nhất 5% tổng cân nặng từ 3 – 6 tháng) với sự can thiệp toàn diện về lối sống.
– Quyết định bắt đầu điều trị bằng thuốc nên được cá nhân hóa và được đưa ra sau khi đánh giá cẩn thận các rủi ro và lợi ích của tất cả các phương pháp điều trị.
- Các nhóm thuốc điều trị béo phì
2.1. Nhóm thuốc đồng vận GLP -1
2.1.1. Cơ chế tác dụng giảm cân nặng
– Các chất đồng vận thụ thể GLP-1 liên kết với thụ thể GLP-1 và kích thích giải phóng insulin phụ thuộc glucose từ các đảo tụy, ức chế giải phóng glucagon và làm rỗng dạ dày giúp làm giảm cân nặng. Giảm cân một phần có thể do tác dụng phụ trực tiếp đến đường tiêu hóa và do ức chế sự thèm ăn.
– Là thuốc hạ đường huyết, được sử dụng kết hợp với metformin (và/hoặc một thuốc uống khác) ở bệnh nhân tiểu đường typ 2, những người thất bại trong điều trị ban đầu với một hoặc hai thuốc uống, đặc biệt khi giảm cân là mục tiêu chính.
2.1.2. Chỉ định:
+ Chỉ định để điều trị béo phì ở người lớn có BMI ≥30 kg/m 2
+ BMI ≥ 27 kg/m 2 kèm theo các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường týp 2, rối loạn lipid máu.
2.1.3. Chống chỉ định:
+ Phụ nữ mang thai
+ Tiền sử viêm tụy, tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị ung thư tuyến giáp thể tuỷ hoặc đa u nội tiết 2A hoặc 2B.
+ Bệnh nhân dùng liraglutide đồng thời với insulin hoặc thuốc kích thích tụy bài tiết insulin (sulfonylurea), cần theo dõi đường huyết, và có thể cần giảm liều insulin hoặc sulfonylurea để tránh hạ đường huyết.
2.1.4. Liraglutide
– Cách dùng: Liraglutide được tiêm dưới da ở bụng, đùi, hoặc cánh tay 1 lần/ngày. Liều ban đầu là 0,6 mg mỗi ngày trong một tuần. Liều được tăng lên trong khoảng thời gian hàng tuần (1,2mg – 1,8 mg – 2,4mg – 3 mg) đến liều khuyến cáo là 3 mg. Cân nhắc tăng liều chậm hơn nếu liraglutide được dung nạp kém như buồn nôn, nôn.
– Hiệu quả
+ Giảm cân: Trên bệnh nhân đái tháo đường, liraglutide (1,8 hoặc 3 mg mỗi ngày) có liên quan đến việc giảm đáng kể trọng lượng (2-4kg) khi so sánh với giả dược hoặc glimepiride .
Trong một thử nghiệm kéo dài 56 tuần so sánh liraglutide 3 mg x 1 lần / ngày so với tiêm giả dược ở 3731 bệnh nhân không đái tháo đường có BMI ≥ 30 kg/m2 hoặc ≥ 27 kg / m 2 bị rối loạn lipid máu và/hoặc tăng huyết áp, giảm cân nhiều hơn ở nhóm liraglutide (-8 kg so với -2,6 kg với nhóm giả dược).
+ Tác dụng đối với tim mạch: Thuốc làm giảm các biến cố bệnh tim mạch chính ở người lớn mắc bệnh tiểu đường típ 2 và bệnh tim mạch từ trước..
– Các tác dụng phụ
+ Các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa, bao gồm buồn nôn và nôn, tiêu chảy, chán ăn, giảm nồng đồ glucose máu.
+ Các tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng ít phổ biến hơn bao gồm viêm tụy, bệnh túi mật và suy thận.
+ Trong các nghiên cứu trên chuột, liraglutide có xuất hiện các khối u tế bào C tuyến giáp lành tính và ác tính nhưng không có bằng chứng về khối u này ở người.
2.1.5. Semaglutide
– Semaglutide là một chất chủ vận thụ thể GLP-1 tác dụng kéo dài có thể được dùng dưới dạng liều tiêm dưới da mỗi tuần một lần hoặc uống một lần mỗi ngày. Semaglutide đã chứng minh hiệu quả giảm cân trong các thử nghiệm liên quan đến bệnh nhân tiểu đường typ 2. Tại Hoa Kỳ, cả chế phẩm uống và tiêm đều được chấp thuận để điều trị bệnh tiểu đường loại 2, trong khi chỉ có dạng tiêm được chấp thuận để điều trị béo phì.
– Liều lượng:
+ Bệnh nhân thừa cân hoặc béo phì, semaglutide tiêm dưới da với liều tối đa 2,4 mg/tuần để đạt được hiệu quả giảm cân tối đa. Bệnh nhân không dung nạp được liều này, có thể dùng liều thấp hơn với điều kiện giảm được ≥5% trọng lượng.
+ Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường typ 2, cần theo dõi kiểm soát đường huyết cũng như giảm cân.
– Cách dùng:
+ Semaglutide được tiêm dưới da ở bụng, đùi, hoặc cánh tay 1 lần/tuần. Liều ban đầu là 0,25 mg/tuần một lần trong bốn tuần. Liều được tăng lên trong khoảng thời gian 4 tuần (0,5-1 – 1,7 – 2,4 mg) đến liều khuyến cáo là 2,4 mg mỗi tuần một lần.
+ Nếu bệnh nhân không được dung nạp thuốc do các tác dụng phụ (buồn nôn, nôn), việc tăng liều có thể trì hoãn thêm 4 tuần nữa. Nếu đạt được mục tiêu giảm cân, bệnh nhân có thể dùng liều tối đa mà bệnh nhân có thể dung nạp.
– Hiệu quả
+ Tác dụng giảm cân nặng: Semaglutide tiêm dưới da 1tuần/lần đã được chứng minh là làm giảm cân ở những người thừa cân, béo phì và có hoặc không mắc bệnh đái tháo đường.
Trong thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng STEP 1 bao gồm 1961 người lớn không mắc bệnh đái tháo đường có BMI ≥ 30 kg/m² (hoặc ≥27 với ≥1 bệnh kèm theo cân nặng) điều trị 68 tuần với tiêm dưới da 2,4 mg semaglutide/lần/tuần hoặc giả dược kết hợp với can thiệp lối sống. Giảm cân trung bình nhiều hơn ở nhóm semaglutide so với giả dược (-15,3kg so với -2,6 kg). Nhiều bệnh nhân trong nhóm semaglutide đã giảm được trọng lượng ≥ 5 % (86,4% so với 31,5 %), ≥ 10 % (69,1% so với 12%) và ≥15% (50,5% so với 4,9%) so với giả dược.
+ Tác dụng trên tim mạch: Semaglutide đã được chứng minh là làm giảm các biến cố bệnh tim mạch chính ở người lớn mắc bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch đã hình thành hoặc bệnh thận mãn tính, mặc dù liều semaglutide được sử dụng thấp hơn liều khuyến cáo để giảm cân (0,5- 1,0 mg so với 2,4 mg ).
– Tác dụng phụ: buồn nôn, tiêu chảy và nôn. Những tác dụng phụ này nói chung là nhẹ đến trung bình và được cải thiện theo thời gian.
2.2. Các thuốc làm tiêu mỡ – Orlistat
– Cơ chế tác dụng: Làm thay đổi quá trình tiêu hóa chất béo bằng cách ức chế lipase dẫn đến chất béo không bị thủy phân hoàn toàn, và quá trình đào thải chất béo qua đường tiêu hóa được tăng lên, gia tăng lượng chất béo trong phân.
– Hiệu quả:
+ Hiệu quả của orlistat trong việc hỗ trợ giảm cân đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Trong một phân tích gộp của 12 thử nghiệm bao gồm bệnh nhân mắc và không mắc bệnh đái tháo đường, trong 12 tháng, bệnh nhân được phân bổ ngẫu nhiên vào orlistat kết hợp với can thiệp lối sống đã giảm 5 -10 kg (8% trọng lượng) so với 3- 6 kg trong nhóm chứng (giả dược cộng với can thiệp lối sống). Giảm cân được duy trì với thời gian điều trị orlistat lên đến 24 -36 tháng.
+ Tác dụng trên tim mạch: cải thiện huyết áp giúp làm giảm đáng kể huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương
+ Giảm lipid máu: Trong một thử nghiệm đa trung tâm, nồng độ cholesterol toàn phần và LDL-C lần lượt giảm từ 4 – 11% và 5 -10 % ở những bệnh nhân được điều trị bằng chế độ ăn duy trì cân nặng cộng với liều 30- 360 mg orlistat mỗi ngày trong 8 tuần. Báo cáo khác cũng đã cho thấy giảm triglycerid máu sau ăn khi dùng orlistat.
– Liều lượng:
+ Orlistat viên nang 120 mg được sử dụng với liều khuyến cáo là 120 mg x 3 lần/ ngày.
+ Bệnh nhân dùng kèm vitamin tổng hợp vì orlistat có thể làm giảm sự hấp thu của các vitamin tan trong dầu
– Chống chỉ định:
+ Orlistat không được sử dụng trong thời kỳ mang thai
+ Bệnh nhân bị kém hấp thu mãn tính, ứ mật, hoặc có tiền sử sỏi calci oxalat.
– Tác dụng phụ
+ Tiêu hóa: đầy hơi, phân nát, phân mỡ. Tác dụng phụ này có xu hướng xảy ra sớm và giảm dần khi bệnh nhân tránh chế độ ăn nhiều chất béo và tuân theo lượng chất béo được khuyến nghị không quá 30%.
+ Tổn thương gan nghiêm trọng đã được báo cáo khi sử dụng orlistat. Bệnh nhân dùng orlistat nên tái khám lại ngay nếu bị ngứa, vàng da, phân màu nhạt, chán ăn.
+ Giảm hấp thu các vitamin tan trong chất béo (A, D, E, K) trong đó vitamin D thường bị ảnh hưởng nhất.
+ Orlistat ảnh hưởng đến hấp thu cyclosporin. Bệnh nhân đang dùng warfarin , việc giảm vitamin K có thể đòi hỏi phải giảm liều warfarin.
+ Tổn thương thận cấp do oxalat cũng đã được báo cáo ở những người sử dụng orlistat. Hội chứng kém hấp thu là một yếu tố nguy cơ của sỏi canxi oxalat.
2.3. Nhóm thuốc tác dụng kết hợp
2.3.1.Phentermine-topiramate
– Chỉ định:
+ Bệnh nhân có BMI ≥ 30 kg/m2
+ Bệnh nhân có BMI ≥ 27 kg/m2 đi kèm với ít nhất một bệnh liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
– Chống chỉ định:
+ Phentermine-topiramate không được chỉ định trong thời kỳ mang thai vì làm tăng nguy cơ sứt môi ở trẻ sơ sinh đặc biệt trong ba tháng đầu của thai kỳ.
+ Bệnh nhân cường giáp hoặc bệnh tăng nhãn áp và ở những bệnh nhân đã dùng chất ức chế monoamine oxidase trong vòng 14 ngày.
+ Bệnh nhân có tiền sử sỏi thận vì topiramate có thể tạo sỏi thận.
– Hiệu quả: Sự kết hợp này đã được chứng minh là tăng cường giảm cân trong năm đầu tiên sử dụng.Sau một năm điều trị, giảm cân trung bình mà thuốc đem lại 8- 10 % trọng lượng cơ thể .
– Tác dụng phụ:
+ Khô miệng (13- 21%), táo bón (15 – 17%), và dị cảm (14 – 21%) .
+ Tác dụng phụ về tâm thần có thể gia tăng khi tăng liều điều trị (trầm cảm, lo âu) và nhận thức (rối loạn chú ý) trong nhóm điều trị tích cực.
+ Tăng nhịp tim (0,6 – 1,6 nhịp/phút) so với giả dược.
– Liều lượng: Liều ban đầu của phentermine-topiramate là 3,75 /23 mg trong 14 ngày, tiếp theo là 7,5 /46 mg sau đó. Nếu sau 12 tuần không giảm được 3% trọng lượng cơ thể ban đầu, có thể tăng liều lên 11,25/69 mg trong 14 ngày và sau đó lên 15/92 mg mỗi ngày. Nếu không giảm 5% trọng lượng cơ thể sau 12 tuần dùng liều cao nhất, nên ngừng từ từ phentermine-topiramate vì việc ngừng sử dụng topiramate đột ngột có thể gây co giật.
2.3.2. Bupropion-naltrexone
– Chỉ định:
+ Bệnh nhân có BMI ≥ 30 kg/m2
+ Bệnh nhân có BMI ≥ 27 kg/m2 đi kèm với ít nhất một bệnh liên quan đến cân nặng như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu.
– Chống chỉ định: mang thai, tăng huyết áp không kiểm soát, co giật, rối loạn ăn uống, sử dụng các sản phẩm khác có chứa bupropion, sử dụng opioid mãn tính, rối loạn chức năng gan nặng và sử dụng trong vòng 14 ngày sau khi dùng thuốc ức chế monamine oxidase.
– Hiệu quả:
+ Bupropion là thuốc điều trị trầm cảm và được sử dụng để ngăn ngừa tăng cân trong quá trình cai thuốc lá. Naltrexone là một chất đối kháng thụ thể opioid được sử dụng để điều trị nghiện rượu và opioid.
+ Sự kết hợp bupropion-naltrexone đã được chứng minh là làm giảm trọng lượng khoảng 4 – 5% trong 56 tuần điều trị.
– Liều lượng: Liều khởi đầu là 1 viên (8 mg naltrexone và 90 mg bupropion ) mỗi ngày. Sau một tuần, liều lượng được tăng lên 1 viên x 2 lần/ngày và đến tuần thứ tư, lên 2 viên x 2 lần/ngày.
– Tác dụng phụ:
+ Buồn nôn (30 %), đau đầu (14%), và táo bón (15%) xảy ra thường xuyên hơn ở nhóm bupropion-naltrexone so với nhóm giả dược.
+ Các tác dụng phụ khác bao gồm mất ngủ, nôn mửa, chóng mặt và khô miệng, xảy ra từ 7- 10%.
+ Có thể làm tăng nhịp tim và tăng huyết áp. Dữ liệu về tính an toàn tim mạch chưa rõ ràng.
2.4. Thuốc điều trị triệu chứng – Thuốc cường giao cảm
– Các chế phẩm: phentermine , diethylpropion , benzphetamine và phendimetrazine được FDA cấp phép cho điều trị béo phì trong thời gian ngắn (tối đa 12 tuần) do các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc.
– Chống chỉ định:
+ Bệnh nhân bị bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp không kiểm soát được
+ Cường giáp hoặc ở những bệnh nhân có tiền sử lạm dụng thuốc.
– Cơ chế tác dụng trên giảm cân: Thuốc cường giao cảm làm giảm lượng thức ăn bằng cách gây cảm giác no sớm.
– Hiệu quả:
+ Phentermine: Sử dụng phentermine liên tục và ngắt quãng đều dẫn đến giảm cân nhiều hơn so với giả dược (giảm 7,4 kg trọng lượng thực) trong vòng 36 tuần.
– Tác dụng ngoại ý: có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây mất ngủ, khô miệng, táo bón và căng thẳng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Jensen MD, Ryan DH, Apovian CM, et al. 2013 AHA/ACC/TOS guideline for the management of overweight and obesity in adults: a report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidelines and The Obesity Society. Circulation 2014; 129:S102.
- Look AHEAD Research Group, Gregg EW, Jakicic JM, et al. Association of the magnitude of weight loss and changes in physical fitness with long-term cardiovascular disease outcomes in overweight or obese people with type 2 diabetes: a post-hoc analysis of the Look AHEAD randomised clinical trial. Lancet Diabetes Endocrinol 2016; 4:913.
- Bessesen DH, Van Gaal LF. Tiến bộ và thách thức trong dược trị liệu chống béo phì. Lancet Diabetes Endocrinol 2018; 6: 237.
- Greenway FL, Fujioka K, Plodkowski RA, et al. Effect of naltrexone plus bupropion on weight loss in overweight and obese adults (COR-I): a multicentre, randomised, double-blind, placebo-controlled, phase 3 trial. Lancet 2010; 376:595.
- Kim KK, Cho HJ, Kang HC, et al. Effects on weight reduction and safety of short-term phentermine administration in Korean obese people. Yonsei Med J 2006; 47:614.

Khoa Nội Tiết – Đái Tháo Đường
Bệnh viện Bạch Mai