BS Nguyễn Quang Bảy
Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
- Định nghĩa và chẩn đoán béo phì: Công thức tính BMI
Béo phì được định nghĩa là tình trạng tích lũy bất thường hoặc quá mức chất béo trong cơ thể, gây tổn hại đến sức khỏe. Chẩn đoán béo phì dựa vào kết quả chỉ số khối cơ thể (BMI: Body Mass Index). Người châu Á có BMI ≥ 23 – 25 (kg/m2) được gọi là thừa cân, còn nếu BMI > 25 thì được coi là béo phì. Tiêu chuẩn chẩn đoán béo phì ở Mỹ là khi BMI ≥ 30. | ![]() |
- Béo phì là bệnh mạn tính nguy hiểm
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) định nghĩa bệnh mãn tính là bệnh hoặc tình trạng sức khỏe kéo dài một năm trở lên và cần được chăm sóc y tế liên tục hoặc hạn chế các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, hoặc cả hai. Béo phì, đặc biệt là béo bụng (vòng eo ≥ 102 cm ở nam và ≥ 88 cm ở nữ) gây đề kháng insulin, và đề kháng insulin là nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp… là những bệnh mạn tính phổ biến nhất. Chính vì vậy béo phì được nhiều tổ chức y tế, trong đó có Hội Y học Mỹ coi là bệnh mạn tính.
Năm 2016, ước tính trên thế giới có khoảng 650 triệu người bị béo phì và tỷ lệ này đang ngày càng tăng. Tại Mỹ, béo phì có liên quan với 300.000 trường hợp tử vong sớm mỗi năm, và là nguyên nhân phổ biến hàng thứ hai gây tử vong có thể ngăn ngừa được, chỉ sau hút thuốc lá.
- Điều trị béo phì
Điều trị béo phì về mức cân nặng bình thường (BMI < 23) là cực kỳ khó khăn nhưng giảm cân, dù ít hay nhiều, đều mang lại các lợi ích về chuyển hóa, làm giảm các biến chứng và chi phí điều trị các bệnh đi kèm. Các biện pháp điều trị béo phì là:
3.1. Thay đổi lối sống
Điều trị bằng thay đổi lối sống tích cực thường đạt hiệu quả cao nhất sau 1 năm, nhưng tỷ lệ thất bại rất cao vì có tình trạng tăng cân dội ngược, và cân nặng sẽ quay về mức ban đầu sau khoảng 3 năm.
3.2. Điều trị béo phì bằng thuốc:
Các thuốc điều trị béo phì như Orlistat, Phentermine, Lorcaserin… được chỉ định nếu BMI ≥ 30 hoặc nếu BMI là ≥ 27 có kèm theo các bệnh lý chuyển hóa như tăng tăng huyết áp, đái tháo đường. Tuy nhiên điều trị bằng thuốc thường chỉ có tác dụng giảm cân khiêm tốn (3-4kg), ngoài ra các tác dụng phụ về tiêu hóa, tim mạch và nội tiết … cũng hạn chế chỉ định điều trị thuốc cho người béo phì.
Lưu ý là trên thị trường chợ đen có rất nhiều loại thuốc giảm cân được rao bán nhưng không có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả. Một số có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm do chứa các chất độc hại đã bị FDA cấm (ví dụ sibutramine).
3.3. Phẫu thuật giảm béo:
Phẫu thuật đặt đai hoặc cắt bớt dạ dày (Roux en Y) để làm giảm ăn và giảm hấp thu chất dinh dưỡng, được coi là phương pháp điều trị béo phì hiệu quả nhất, thường được chỉ định cho những người béo phì có BMI > 33. Tuy nhiên bất lợi của phẫu thuật là chi phí cao, chỉ thực hiện được tại các trung tâm lớn, nhiều biến chứng cả trong và sau mổ nên ngày nay, phẫu thuật chỉ được coi là phương pháp điều trị cuối cùng dành cho người béo phì nặng hoặc đã thất bại với các phương pháp điều trị khác.
3.4. Điều trị nội tiết cho người béo phì
Liraglutide là thuốc chủ vận thụ thể GLP-1 (GLP-1 RA) có tác dụng kích thích tế bào β sản xuất insulin và ức chế tế bào a sản xuất glucagon, được chỉ định chính để điều trị bệnh đái tháo đường týp 2. Ngoài tác dụng trên tụy, Liraglutide còn có thêm các tác dụng trên não (làm giảm cảm giác thèm ăn), dạ dày (chậm làm trống dạ dày) và trên mô mỡ… nên có thể làm giảm khoảng 5-6% cân nặng, khi dùng liều Liraglutide tối đa là 1,8mg/ngày tiêm dưới da. Tuy nhiên các nghiên cứu với liều liraglutide 3mg/ngày thấy có thể làm giảm đến 12,2% cân nặng sau 56 tuần. Do đó từ tháng 12/ 2014, FDA đã chấp thuận chỉ định Liraglutide liều cao cho điều trị béo phì.
Ngày nay, các thuốc GLP-1 RA được ưu tiên chỉ định cho những người béo phì có BMI > 30 kg/m2 hoặc từ 27 – 30 kg/m2 kèm theo có 1 bệnh có liên quan đến béo phì vì:
- Hiệu quả giảm cân cao nhất trong số các thuốc điều trị béo phì, giảm khối mỡ nhiều
- Làm giảm cả huyết áp và đường huyết. Nhiều bệnh nhân béo phì có đái tháo đường điều trị Liraglutide đã giảm được liều thuốc và số viên thuốc huyết áp và đái tháo đường.
- Đặc biệt ở bệnh nhân đái tháo đường, Liraglutide có tác dụng ngăn ngừa xơ vữa động mạch, làm giảm các biến chứng tim mạch (đặc biệt là đột quỵ), và bảo vệ thận
- Ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển từ tiền đái tháo đường thành đái tháo đường. Lợi ích rõ rệt nhất nếu giảm được 10% cân nặng.
- Các tác dụng phụ thường gặp của Liraglutide bao gồm buồn nôn và nôn (khoảng 10% bệnh nhân); tuy nhiên chúng ta có thể khắc phục được bằng cách tiêm xa bữa ăn và tiêm tăng liều chậm.
Nhược điểm của thuốc là tiêm dưới da đã được cải tiến thành các chế phẩm tiêm 1 tuần/lần hoặc thuốc uống (semaglutide). Một rào cản khác là giá thành thuốc khá đắt.
Tài liệu tham khảo:
- Ellem E Ladenheim. Liraglutide and obesity: a review of the data so far. Drug Design, Development and Therapy 2015: 9, 1867-1875
- Luc Van Gaal and Evelline Dirinck. Pharmacological Approaches in the Treatment and Maintenance of Weight Loss. Diabetes Care 2016; 39 (Suppl 2): S260-S267
- William T.Cephalu, et al. Advances in the Science, Treatment, and Prevention of the Disease of Obesity: Reflections From a Diabetes Care Editors’s Expert Forum. Diabetes Carre 2015; 38: 1567 – 1582.
- Gautam Das. Liraglutide for Overweight and Obesity. PRACTICAL DIABETES Vol. 38 No. 1
- Jung Ha Park, et al. Effectiveness of liraglutide 3 mg for the treatment of obesity in a real-world setting without intensive lifestyle intervention. International Journal of Obesity volume 45, pages 776–786 (2021

Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BV Bạch Mai