Béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Dịch tễ về béo phì tại việt nam
Hiện nay tình hình thừa cân và béo phì đang tǎng lên với tốc độ báo động không những ở các nước phát triển mà ở cả các nước đang phát triển:
- Tỷ lệ béo phì chiếm 3.6%, tốc độ tăng trưởng 38% (2010-2014)
- Tỉ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên tới 19 % (năm 2020)
Chẩn đoán béo phì: chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 30 kg/m2 (theo WHO), chỉ số khối cơ thể (BMI) ≥ 25 kg/m2 (người Châu Á).
- Nguyên nhân, yếu tố nguy cơ gây ra bệnh béo phì
- Yếu tố di truyền : Có vai trò nhất định đối với béo phì. Trẻ có cha mẹ béo phì thường bị béo phì. Chế độ ăn: chế độ ăn cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu sẽ làm tăng cân.
- Lười vận động: Cùng với yếu tố ăn uống, sự gia tăng tỷ lệ béo phì thường đi song song với giảm hoạt động thể lực và lối sống tĩnh lại.
- Các yếu tố về môi trường: điều kiện kinh tế – xã hội tốt hơn thường có tỷ lệ béo phì cao hơn
- Một số bệnh và thuốc: Bệnh nội tiết: hội chứng Cushing, suy giáp, u tụy nội tiết, hội chứng buồng trứng đa nang…Một số loại thuốc có thể dẫn đến tăng cân: thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc chống loạn thần, steroid và thuốc chẹn beta.
- Béo phì do đột biết gen: Đột biến gen sản xuất Leptin hoặc đột biến Receptor của Leptin.
- Những yếu tố khác: Tuổi, thai kỳ, bỏ hút thuốc, thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều, căng thẳng, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột.
- Cơ chế của thừa cân béo phì
- Cân bằng năng lượng dương tính: Tăng cung cấp thức ăn, giảm tiêu tốn năng lượng
- Rối loạn điều hoà hành vi ăn uống: Vùng hạ đồi – Các tín hiệu ngoại biên điều chỉnh cảm giác thèm ăn và tiêu hao năng lượng thông qua tế bào thần kinh ở hạ đồi
- Điều hoà tiêu tốn năng lượng:
- Chủ vận thụ thể Beta-adrenergic gây tăng tiêu thụ năng lượng và giảm đường huyết.
- Tăng nồng độ Leptin do tăng khối mỡ dự trữ dẫn tới giảm cảm giác ngon miệng, tăng phân huỷ mỡ và tăng sinh nhiệt.
- Biến chứng của béo phì và bệnh đồng mắc
Béo phì làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim, đột quỵ, đái tháo đường, ngưng thở khi ngủ…
- Bệnh đái tháo đường type 2 và tiền đái tháo đường
Chỉ số BMI, phân bố mỡ bụng và tăng cân là những yếu tố nguy cơ quan trọng đối với sự phát triển của bệnh tiểu đường type 2. Ước tính 90% người mắc bệnh tiểu đường type 2 ở Mỹ bị béo phì. Nguy cơ mắc Đái tháo đường ở người béo phì cao hơn 4,9% so với người có cân bình thường.
- Rối loạn lipid máu
Béo phì nội tạng có liên quan đến tăng chất béo trung tính, cholesterol HDL thấp và tăng các hạt LDL nhỏ, đậm đặc.
- Bệnh động mạch vành (CAD)
Những người béo phì, đặc biệt người có phân bổ mỡ ở bụng, có nguy cơ mắc bệnh mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim cao hơn. Ngày càng có nhiều bằng chứng về việc tăng nguy cơ đột tử do tim (SCD) ở những người bị béo phì
- Chứng ngưng thở lúc ngủ
Đàn ông và phụ nữ béo phì cũng có nguy cơ cao mắc chứng ngưng thở khi ngủ, trong đó tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên trong khi ngủ dẫn đến các đợt ngưng thở hoặc giảm thở, dẫn tới tăng huyết áp, và cuối cùng có thể dẫn đến tăng áp phổi và suy tim phải.
- Đột quỵ
Béo phì làm tăng nguy cơ đột quỵ do một số cơ chế riêng biệt bao gồm đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch tiến triển và huyết khối tắc mạch, hoặc vỡ động mạch, rung nhĩ và tắc nghẽn ngưng thở khi ngủ. Ước tính cứ tăng 1 đơn vị BMI nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ tăng ≈5%
- Rối loạn chức năng nhận thức
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa béo phì và rối loạn chức năng nhận thức, bao gồm chức năng điều hành kém và suy giảm trí nhớ, có thể liên quan đến việc phát triển chứng sa sút trí tuệ sau này.
- Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu
Béo phì có liên quan đến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Các biểu hiện của rối loạn này bao gồm gan to, xét nghiệm chức năng gan bất thường và mô học gan bất thường bao gồm gan nhiễm mỡ, viêm gan nhiễm mỡ, xơ hóa và xơ gan.
- Bệnh ung thư
Thừa cân và béo phì có liên quan đến tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung, thực quản, tế bào thận, tuyến tụy, buồng trứng, vú, đại trực tràng, tuyến giáp và ung thư túi mật. Ngoài ra cũng có liên quan đến bệnh bạch cầu, đa u tủy, u lympho không Hodgkin và u hắc tố ác tính.
- Bệnh xương khớp
Béo phì có liên quan đến việc giảm đáng kể mức độ hoạt động thể chất và là một trong những yếu tố nguy cơ chính của viêm xương khớp. Tác động lớn nhất là ở đầu gối, nhưng cũng làm tăng nguy cơ ở các khớp tay, đau lưng. Béo phì tăng nguy cơ bệnh Gút.
- Bệnh thận
béo phì là các yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý khác liên quan đến suy giảm chức năng thận. Béo phì cũng có liên quan đến nguy cơ mắc sỏi thận, bệnh cầu thận.
- Bệnh hệ miễn dịch
Béo phì gây ra rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch, tăng tính nhạy cảm với nhiều loại nhiễm trùng, giảm đáp ứng với vắc-xin. Người ta cho rằng có sự gia tăng song song của bệnh tự miễn dịch và bệnh béo phì.
- Bệnh khác: Béo phì cũng liên quan tới các bệnh đường tiêu hóa dạ dày ruột và vô sinh.
Tài liệu tham khảo:
- World Health Organization. Obesity and overweight 2018 [cited 2019 18 March]
- Berridge KC, Ho CY, Richard JM, DiFeliceantonio AG (2010) The tempted brain eats: pleasure and desire circuits in obesity and eating disorders. Brain Res 1350:43–64. CrossRef Medline.
- Obesity and overweight in South-East Asia, 2019 WHO
National Survey on the risk factors of non communicable diseases (STEPS) Viet Nam 2015. General Department of Preventive Medicine, Ministry of Health, 2016
- Pasquale Strazzullo et al. Originally published18 Mar 2010. Stroke. 2010;41:e 418–e42
Ths. Bs Phan Thị Minh Tâm
Khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai
