Bệnh tim mạch do xơ vữa là gì? và ảnh hưởng như thế nào đến người bệnh đái tháo đường typ 2

Xơ vữa động mạch là thuật ngữ chung cho một số rối loạn gây dày và mất đàn hồi thành động mạch. Xơ vữa động mạch có thể ảnh hưởng đến tất cả các động mạch lớn và trung bình, bao gồm động mạch vành, động mạch cảnh, động mạch não… và đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên Thế giới.

Xơ vữa động mạch thường không có triệu chứng trong hàng chục năm. Các triệu chứng xuất hiện khi tổn thương làm cản trở dòng máu. Triệu chứng thiếu máu thoáng qua (đau thắt ngực khi gắng sức, thiếu máu não thoáng qua, đau cách hồi chi dưới) có thể xuất hiện khi mảng xơ vữa phát triển và gây hẹp > 70% lòng mạch. Khi mảng xơ vữa động mạch bị nứt vỡ và gây tắc mạch cấp tính có thể dẫn đến đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đau chi khi nghỉ. Xơ vữa động mạch có thể gây đột tử mà không có triệu chứng báo trước.

Chẩn đoán bệnh tim mạch do xơ vữa phụ thuộc vào bệnh nhân có hay không có triệu chứng lâm sàng. Trường hợp có triệu chứng lâm sàng của thiếu máu được đánh giá mức độ và vị trí mạch bị hẹp dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh, tuỳ thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng. Người bệnh có bệnh lý xơ vữa tại một vị trí cũng nên được đánh giá thêm ở nhiều vị trí khác. Đối với các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng thì hiện nay chưa có phương pháp chẩn đoán nào có lợi ích rõ ràng. Tuy nhiên, nên xét nghiệm mỡ máu, đường máu, đo huyết áp để sàng lọc nguy cơ ở những người nam > 40 tuổi, nữ > 50 tuổi có hoặc không có béo phì.

Có rất nhiều yếu tố nguy cơ của xơ vữa động mạch như béo bụng, rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, tuổi cao….. Ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường có phối hợp đa bệnh lý như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp… tạo nên một chuỗi các tác nhân thúc đẩy vữa động mạch tiến triển, và xơ vữa động mạch được xác định là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh tật và tử vong ở người ĐTĐ. Ngày nay, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một số tác nhân mới của xơ vữa động mạch ở người bệnh ĐTĐ bên cạnh các tác nhân truyền thống, như tình trạng viêm, rối loạn chức năng nội mạc mạch máu, tình trạng tăng đông…

Vậy bệnh nhân ĐTĐ cần kiểm soát những gì để ngăn ngừa hay làm chậm tiến triển của bệnh tim mạch do vữa xơ?

Nội dung

Kiểm soát đường huyết:

Mục tiêu kiểm soát đường huyết ở người bệnh ĐTĐ là đường máu đói < 7mmol/l; HbA1c < 7%. Nghiên cứu cho thấy khi HbA1c tăng 1% sẽ làm tăng biến cố tim mạch do xơ vữa lên 11 – 16%.  Chính vì vậy, người bệnh cần phải đến thăm khám định kỳ tại các phòng khám chuyên khoa nội tiết, cũng như tuân thủ chế độ ăn, tập luyện và dùng thuốc đều đặn để đạt hiệu quả điều trị.

Rối loạn mỡ máu:

ĐTĐ và rối loạn mỡ máu như một đôi bạn song hành, tỉ lệ rối loạn mỡ máu chiếm 60-70% ở các bệnh nhân ĐTĐ typ 2. Khi có sự hiện diện của rối loạn mỡ máu, tăng đường huyết càng tạo điều kiện hình thành mảng vữa xơ. Các mảnh LDL-cholesterol là tác nhân chính gây xơ vữa động mạch kể cả khi nồng độ LDL-cholesterol máu không tăng. Do đó, việc kiểm soát rối loạn mỡ máu ở người ĐTĐ đóng vai trò rất quan trọng mà nhiều khi bị người bệnh xem nhẹ.

Kiểm soát huyết áp:

Mục tiêu huyết áp ở người bệnh ĐTĐ là < 140/90 mmHg và trong một số trường hợp đặc biệt như có bệnh thận phối hợp, mục tiêu huyết áp < 120/80mmHg. Hiện nay, có nhiều thuốc hạ huyết áp được chứng minh cải thiện tiên lượng trên tim mạch ở bệnh nhân ĐTĐ, và thực tế bác sỹ thường phải phối hợp nhiều thuốc hạ huyết áp trên cùng một người bệnh để đạt mục tiêu điều trị.

Lợi ích của Aspirin, thuốc hạ mỡ máu nhóm statin:

Hiệu quả của aspirin ở các bệnh nhân ĐTĐ đã có bệnh tim mạch do vữa xơ đã được khẳng định qua nhiều nghiên cứu. Đối với các bệnh nhân ĐTĐ chưa có xơ vữa động mạch, hiệu quả của aspirin còn chưa rõ ràng. Việc duy trì thuốc hạ mỡ máu nhóm statin ở người ĐTĐ có tác dụng làm giảm xuất hiện các biến cố tim mạch và tử vong.

Bên cạnh việc duy trì thuốc đều đặn và thăm khám định kỳ, người bệnh ĐTĐ cần có một lối sống tích cực, chế độ dinh dưỡng khoẻ mạnh hợp lý, tăng cường tập luyện thể dục để kiểm soát cân nặng cũng sẽ góp phần rất lớn trong việc cải thiện tiến triển của bệnh lý tim mạch do vữa xơ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.WHO Global Health Estimates 2000-2015.

2.Goff DC Jr, Lloyd-Jones DM, Bennett G et al (2014). 2013 ACC/AHA guideline on the assessment of cardiovascular risk: A report of the American College of Cardiology/American Heart Association Task Force on Practice Guidlines. Circulation129:S49-S73.

  1. American Diabetes Association (2021). Glycemic Targets: Standards of medical care in Diabetes-2021. Diabetes Care, 44(1),S73-S84.
  2. American Diabetes Association (2003). Treatment of hypertension in adults with diabetes. Diabetes Care, 26(1),S80-S82.
  3. Cecilia C.Low Wang, MD, Connie N. Hess, MD, MHS; William R. Hiatt, MD et al (2016). Clinical update: Cardiovascular disease in diabetes mellitus. Atherosclerosis cardiovascular disease and heart failure in type 2 diabetes mellitus – mechanism, managment, and clinical considerations. Circulation, 133, 2459-2502.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *